Những kỷ vật thiêng liêng của một người chiến sĩ cách mạng

THU HOÀN 15/11/2023 07:36

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Vĩnh Long, quê hương giàu truyền thống cách mạng, bất khuất, kiên cường, ông Nguyễn Hữu Thế (bí danh Năm Thái, Năm Đời, Tư Già) đã sớm giác ngộ cách mạng. Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã nguyện gắn cuộc đời mình với đất nước, với nhân dân, với công tác Mặt trận.

Bà Nguyễn Đinh Nga (bên trái) trao tặng kỷ vật của bố mẹ cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Ảnh: Thu Hoàn.

Từ thời còn đi học, ông đã tích cực tham gia các phong trào học sinh yêu nước tại địa phương. Năm 1928-1929, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời của ông khi tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đây, ông tự nguyện dấn bước vào con đường hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng năm 1930. Ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Trong tù, mặc dù bị địch kìm kẹp, với nhiều cực hình tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Ra tù, ông tiếp tục hăng hái hoạt động cách mạng.

Khi đang là Ủy viên Ban cán sự Xứ ủy Lâm thời Miền Tây, phụ trách cơ quan báo “Lao Nông” hoạt động tại huyện Chợ Mới, Long Xuyên, nay thuộc tỉnh An Giang, ông bị địch bắt giam tù lần thứ hai, bị quản thúc tại Trại lao động đặc biệt núi Bà Rá (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước). Không nao núng tinh thần, ông cùng đồng đội vẫn kiên cường vượt qua cuộc sống tù ngục nơi núi rừng khắc nghiệt, bí mật tham gia chi bộ đặc biệt Bà Rá với nhiều hoạt động đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông thoát ngục về Vĩnh Long gia nhập LTU (Liên tỉnh ủy) Miền Tây (nhóm Tiền Phong) hoạt động ở cụm Cần Thơ, Trà Vinh, Sa Đéc, Long Xuyên, trực tiếp lãnh đạo cướp chính quyền tại Vĩnh Long, xây dựng cơ sở, tổ chức các đoàn thể cách mạng, Mặt trận Việt Minh các cấp, mở lớp đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên mới, bồi dưỡng đảng viên cũ. Trong thời gian hoạt động tại Vĩnh Long (1945-1948), ông đã tham gia Mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Long và giữ chức Bí thư Ban chấp hành Nông dân cứu quốc Nam Bộ. Cũng tại Vĩnh Long, ông đã bị địch bắt giam vào tháng 7/1946. Ở trong tù, ông tìm cách tập hợp một số tù chính trị lên kế hoạch tổ chức trốn tù về căn cứ. Ông bị địch phát hiện và định thủ tiêu nhưng may mắn được nhân dân địa phương cứu sống.

Tháng 12/1948, ông trở lại căn cứ giữ chức Bí thư Đảng đoàn Nông vận, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, sau đó được cử ra miền Bắc học trường Nguyễn Ái Quốc, tham gia hai đợt giảm tô, cải cách ruộng đất. Ngày 20/7/1954, ông trở lại miền Nam công tác tại Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, cùng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Chánh Văn phòng xứ Ủy Nam Bộ, Phó ban Dân vận - Mặt trận Xứ ủy Nam Bộ, tham gia Đảng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó ban Dân vận - Mặt trận Trung ương Cục miền Nam. Dù ở cương vị công tác nào, ông đều tận tâm tận lực hoàn thành trọng trách được giao. Sau năm 1975, ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ chức vụ Phó ban Dân vận - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa VI.

Dốc hết thời gian, trí tuệ, tâm huyết cho cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, ông đã hy sinh hạnh phúc riêng tư khi phải biền biệt sống xa vợ, xa con. Người vợ của ông, bà Đoàn Kim Định, là cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chánh Văn phòng cơ quan Dân vận - Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tham gia hoạt động cách mạng, năm 1957 bà bị địch bắt giam khi phải một mình nuôi hai con nhỏ. Bố tham gia kháng chiến, mẹ bị bắt vào tù, người anh trai 7 tuổi đã phải bế đứa em gái Nguyễn Đinh Nga 6-7 tháng tuổi đi khắp nơi xin sữa cho em. Cô con gái từ lúc sinh ra chưa một lần được gặp mặt bố, cũng chưa kịp nhớ mặt mẹ và chỉ biết đến cậu mợ là bố mẹ ruột. Đến tận năm 1974, khi đó cô đã 18 tuổi, ông Nguyễn Hữu Thế và bà Đoàn Kim Định mới có cơ hội đón con gái về căn cứ R.

Đây là lần đầu tiên, ông Nguyễn Hữu Thế được gặp con gái của mình sau những năm tháng xa cách. Khung cảnh gia đình đoàn tụ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của bà Nguyễn Đinh Nga.

Bà Nga đã nâng niu, gìn giữ cẩn thận các kỷ vật của bố mẹ để lại và trao tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó là chiếc kính mắt, cuốn sổ tay, bộ dao cạo râu mà ông Nguyễn Hữu Thế đã dùng, chiếc khăn mùi soa nhuốm màu thời gian bà Đoàn Kim Định đã kỳ công thêu tặng chồng gửi gắm rất nhiều thương nhớ trong những ngày bà bị giam tù; cùng huân, huy chương, phần thưởng của ông Nguyễn Hữu Thế và rất nhiều kỷ vật thiêng liêng khác.

THU HOÀN