Cuối năm, dòng tiền chảy về đâu?

T.Hằng – T.Như 15/11/2023 07:37

Lãi suất liên tục giảm và mặt bằng lãi suất được dự báo giảm tiếp trong thời gian tới, bơm dòng tiền vào nền kinh tế.

Đóng gói ngao đông lạnh tại nhà máy của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Áp lực lãi suất đã giảm

Từ đầu tháng 11 tới nay, hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, đưa mặt bằng lãi suất phổ biến xuống không quá 5,5%/năm.

Lãi suất huy động giảm được xem là bước đệm giảm lãi suất cho vay. Bà Hà Thu Giang – Vụ trường Vụ Tín dụng các thành phần kinh tế Ngân hàng nhà nước (NHNN) nói cơ quan này đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần mức lãi suất điều hành. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc NHNN giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành chỉ trong nửa đầu năm 2023 tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm không còn neo cao như giai đoạn trước, không còn hấp dẫn nguồn vốn trong dân như trước. Đây sẽ là lực đẩy giúp dòng tiền đi vào những lĩnh vực khác của nền kinh tế.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, thông thường lãi suất giảm thì kênh tiền gửi ngân hàng không còn hấp dẫn. Song thực tế còn tùy thuộc nhiều yếu tố như lạm phát hay tính ổn định so với các kênh đầu tư khác gồm vàng, chứng khoán, bất động sản... thời điểm đó. Có thể thấy, tiền gửi hiện vẫn có sự ổn định, trong khi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng tăng giá nhưng không ổn định và chênh lệch khá cao so với thế giới, ngoại tệ có khả năng tăng giá nhưng “không có sự bảo đảm”.

Ông Hiếu nhận định: Khi lãi suất huy động của ngân hàng giảm sâu như hiện nay, chắc chắn sẽ có dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản, đổ vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm. Đây là tín hiệu khá tích cực, giúp nền kinh tế từng bước hồi phục.

Chuyên gia này cho rằng, lãi suất huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng dư dả là một trong những yếu tố tạo thuận lợi để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, thời điểm này, các khoản tiền gửi với lãi suất cao sau một năm đã đến lúc đáo hạn, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm.

Doanh nghiệp nỗ lực cuối năm

Mùa kinh doanh cuối năm là lúc nhu cầu vốn của khách hàng gia tăng để chuẩn bị cho dịp Tết. Đáp ứng nhu cầu và cũng là cơ hội bứt phá, các ngân hàng thương mại đang tăng tốc tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp (DN) tăng khả năng sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường hàng hóa.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay hiện nay đang ở điểm hòa vốn. Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng này chỉ quanh 6-6,5%, trung dài hạn 8 – 9%. BIDV đã giảm thu nhập 4.300 tỷ để giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay trung, dài hạn tại BIDV sẽ được đánh giá lại 3 – 6 tháng một lần, bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ. Mặt bằng lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, nên gần như không còn các khoản vay lãi suất cao.

Tổng Giám đốc MB Bank Phạm Như Ánh cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay rất thấp và với các khoản vay dài hạn, ngân hàng đang “kinh doanh hòa vốn”. Lãi suất cho vay trong nước thấp hơn cả giai đoạn trước Covid-19. MB đang cho vay mới với khách hàng cá nhân khoảng 7-8%/năm, cho vay tổ chức 8-9%/năm.

Giới chuyên gia khẳng định, những tháng cuối năm là thời điểm các DN tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành những đơn hàng trong năm, đạt mục tiêu, sản lượng, kế hoạch doanh thu đã đề ra từ đầu năm. Vì vậy, ngoài nỗ lực của ngân hàng muốn đẩy vốn ra nền kinh tế, bản thân các DN cũng phải rất nỗ lực vượt khó khăn.

Ông Nguyễn Khắc Dũng - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho biết, công ty liên tục có những thay đổi, từ tư duy lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên, chính sách hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn về đầu ra, công ty không “ngồi chờ”, chủ động tìm khách hàng tiềm năng, thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất.

Bên cạnh đó những tháng cuối năm, chớp cơ hội từ việc khách hàng Nhật Bản chuyển dịch tìm kiếm thị trường sang các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc nên DN đã đẩy mạnh marketing, tăng cường giao thương với thị trường Nhật Bản… Nhờ đó, kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 và những năm tới vẫn khả quan, có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN công nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tình hình sản xuất những tháng cuối năm 2023 có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tìm cơ hội phát triển, các DN phải tìm thêm các thị trường ngách, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra thị trường các sản phẩm mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng… Từ đó, các DN phải có định hướng chiến lược phát triển kinh doanh trong dài hạn dựa trên các giải pháp phát triển bền vững. Cùng với đó, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư phải đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao.

T.Hằng – T.Như