Thi tốt nghiệp THPT: 4+2 hay 3+2?
Thi 6 môn (4+2), 5 môn (3+2), bỏ ngoại ngữ hay lịch sử không, là mối băn khoăn của cả học sinh, phụ huynh cũng như các nhà giáo dục.
Theo kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GDĐT tạo công bố, khoảng 30% người khảo sát ủng hộ phương án 4+2, tức là thí sinh học chương trình THPT thi 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. 70% người tham gia khảo sát đồng tình phương án 3+2, thí sinh phải thi bắt buộc 3 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm lịch sử).
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Trần Nam Dũng (Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết ông ủng hộ phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn (3+2) hơn là phương án 2+2. Tuy nhiên nếu phải lựa chọn giữa phương án có thi môn lịch sử (4+2), ông ủng hộ phương án 2+2.
Ông Dũng cho rằng trong thời đại hiện nay tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung rất quan trọng. Đây không chỉ là phương tiện giao tiếp, giúp hòa nhập toàn cầu mà còn là văn hoá, lối suy nghĩ, cách diễn đạt. Theo ông Dũng, người giỏi ngoại ngữ học toán tốt hơn, viết văn hay hơn, tranh biện sắc sảo hơn, tư duy kinh tế tốt hơn.
Khi một số phương tiện thông tin đại chúng nêu ý kiến “nhiều học sinh, giáo viên ủng hộ loại môn tiếng Anh ra khỏi danh sách môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, TS Trần Nam Dũng băn khoăn, không biết có thống kê cho “số nhiều” này không. “Nếu đó là tỷ lệ lớn thì thật đáng buồn” – thầy Dũng nói.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Minh với gần 30 năm dẫn dắt học sinh Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế nhìn nhận ngoại ngữ rất quan trọng, nhất là trong thời buổi “mở cửa, hội nhập”.
“Theo tôi, việc ủng hộ loại môn tiếng Anh ra khỏi môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được coi là một tín hiệu để chúng ta phải suy nghĩ về chất lượng giảng dạy các môn ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng trong nhà trường phổ thông hiện nay. Cụ thể hơn, với việc giảng dạy ngoại ngữ như hiện nay trong nhà trường phổ thông, học sinh tiếp thu được gì?” - ông Minh nói.
Cẩn trọng lựa chọn
Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên, học sinh và phụ huynh bởi đây là lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Với sự đổi mới từ chương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách học, kỳ thi này là một bước đổi mới quan trọng trong hành trình thi cử và đánh giá năng lực học sinh mà ngành giáo dục đang hướng tới.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 là để tham khảo nhưng việc quyết định không dựa vào dư luận xã hội. Nếu xét từ góc độ người học, phụ huynh bao giờ cũng mong muốn thi càng ít càng tốt. Như vậy sẽ đỡ áp lực cho cả phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Nga, nếu nhìn vào đích đến của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhìn từ yêu cầu của đối mới giáo dục nghĩa là không học vẹt, không học tủ thì với môn học nào, học sinh “cũng có thể chủ động trong kiến thức của môn đó”. Khi đã “biến kiến thức thành của mình”, các em có thể thi môn này hay môn kia sau khi đã học không phải là vấn đề quá lo ngại.
“Hiện nay chúng ta đã thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Đây đã là bước tiến bộ nhưng đến lúc chúng ta phải đạt được đến yêu cầu có thể thi bất cứ môn gì học sinh đã được dạy ở trong trường. Vấn đề là phải đổi mới cách thi, chuẩn bị hình thức thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi… Khâu tổ chức cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng” – bà Nga nêu quan điểm và kiến nghị Bộ GDĐT xem xét, sớm đưa ra phương án thi cụ thể và chú trọng kỹ lưỡng công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả và an toàn.
Theo ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT, mỗi phương án thi đều có những ưu, nhược điểm và có thể phù hợp từng giai đoạn khác nhau. Bộ GDĐT sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Khi một số phương tiện thông tin đại chúng nêu ý kiến “nhiều học sinh, giáo viên ủng hộ loại môn tiếng Anh ra khỏi danh sách môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, TS Trần Nam Dũng băn khoăn, không biết có thống kê cho “số nhiều” này không. “Nếu đó là tỷ lệ lớn thì thật đáng buồn” - ông Dũng nói.