Niềm vui trong Ngày hội Đại đoàn kết
“Đồng bào Sán Chỉ ở Đại Dực hôm nay có nhiều niềm vui để hòa mình vào không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” - đó là lời đón khách đầy hứng khởi của ông Nình A Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).
Đại Dực hôm nay khác rồi. Những “phú nông” trồng quế, nuôi gà ở Đại Dực hôm nay không còn làm cho người dân ngạc nhiên nữa. Những cái tên như Sằn A Phật (thôn Khe Lặc), Đặng Văn Ba (thôn Khe Ngàn), Lý Quang Hạ, Chìu Văn Đạt (thôn Khe Mươi) là lớp người trẻ làm giàu trên chính quê hương mình.
5 năm trở về trước, đồng bào Sán Chỉ ở Đại Dực khi đó hầu hết chỉ biết làm nông nghiệp, cuộc sống tự cung tự cấp, muốn mang con lợn, con gà xuống xuôi bán cũng phải đi cả ngày đường.
Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực sự là bệ phóng cho cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đại Dực.
Đảng ủy xã Đại Dực đã lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp, để tập trung phát triển tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết và Chương trình hành động vào cuộc sống.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ đảm bảo cứng hóa các tuyến đường. Đặc biệt, đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi, với vận tốc thiết kế 30km/h; bề rộng mặt đường 3,5m. Dự án có tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, vừa hoàn thành đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa xã Đại Thành cũ và trung tâm xã Đại Dực từ 20km xuống còn 10km.
Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đến nay toàn xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 8 hộ (tương đương 1,26%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 67,7 triệu đồng/người/năm (tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2022).
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đặc biệt tới khu vực vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, từ năm 2016, tỉnh đã xây dựng đề án chuyên biệt (Đề án 196) với mục tiêu dồn lực sớm đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Đầu năm 2023, Quảng Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Đến hết tháng 9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 441 nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trong năm, với tổng kinh phí đã vận động hỗ trợ gần 33 tỷ đồng...
Tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Theo đó, có 1.450 hộ gia đình người có công trên địa bàn Quảng Ninh được hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81.766,8 triệu đồng, dự kiến tiến độ hoàn thành trong năm 2023…
Có mặt trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xã Đại Dực năm 2023, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: 6 năm trước, Đại Dực còn là xã đặc biệt khó khăn, đến nay từ những chủ trương đúng đắn (sáp nhập 2 xã Đại Thành và Đại Dực; đầu tư cơ sở hạ tầng), cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã đã đưa chủ trương thành những hành động cụ thể, để xã phát triển như ngày hôm nay.