Văn Cao - Bản hùng ca bất tử
Được xếp hạng là báu vật Quốc gia vô giá, ca khúc “Tiến quân ca” đã in đậm sâu trong tâm trí lớp lớp người dân Đất Việt. Ở bất kỳ đâu, mỗi khi Quốc ca của Tổ quốc vang lên, trong tâm can bầu nhiệt huyết như bùng cháy, cảm xúc, trang nghiêm, tự hào dân tộc… Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023), nhớ về ông, cây đại thụ với những ca khúc cách mạng bất hủ để đời.
Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, mất ngày 10/7/1995 (âm lịch 13/6/Ất Hợi). Ông quê gốc ở huyện Vụ Bản, Nam Định nhưng lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng, nơi mà đầu thế kỷ 20 đã là cái nôi nuôi dưỡng nhiều anh tài văn nghệ như nhạc sĩ Lê Thương, Hoàng Quý, Tô Vũ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận...
Ông là một trong những nhạc sĩ thuộc lớp tiền bối của nền tân nhạc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn là họa sĩ và nhà thơ. Ông có nhiều tác phẩm trong giai đoạn tiền cách mạng, đặc biệt nổi tiếng nhất là lĩnh vực âm nhạc với nhiều tác phẩm bất hủ, trong đó bài “Tiến Quân Ca” được coi là hồn cốt với khí phách ngất trời của dân tộc.
Tài năng xuất thiếu niên
Năm 1939, khi mới 16 tuổi Văn Cao đã có sáng tác đầu tay “Buồn tàn thu” với ca từ cuồng si, ôm buồn sâu thẳm, đem cả mùa thu u sầu tê tái. Trong thế gian nhân sinh, cõi lòng chí ít cũng phải ngoài tuổi đôi mươi mới đủ tâm thức tích buồn được tâm trạng như thế. Vậy mà ở tuổi niên thiếu, Văn Cao đã hội đủ vốn kiến thức văn chương đậm sâu, tinh túy và đặc biệt là bản lĩnh chịu đựng những cú đổ vỡ trong tình yêu và thất bại đường đời tưởng chừng khó có thể hiện hữu ở người non trẻ chưa từng nếm trải sự đời.
Cứ vậy, tâm trạng Văn Cao như mạch nguồn tuôn chảy để rồi hàng loạt những sáng tác đạt tới đỉnh cao được ra đời như: Thiên thai, Suối mơ, Gió núi, Cung đàn xưa, Bến xuân,… qua tiếng hát Phạm Duy đã thổi một làn gió mát vào lòng người yêu nhạc, ngày ấy và cả bây giờ. Tất thảy như bắt đầu báo hiệu một tài năng xuất chúng trong làng thi ca Đất Việt đang rực sáng trong thời khắc lịch sử dân tộc.
Tiếp theo Tiến quân ca, nhạc sĩ Văn Cao hầu như chỉ viết những bản nhạc hùng ca như: Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, Sông Lô, Tiến về Hà Nội,… duy có Ngày mùa và Làng tôi (1947) mang đậm âm hưởng dân ca.
Có hay không khi cho rằng Văn Cao có khả năng “Tiên tri” thiên phú ẩn kín trong ca từ khi ông sáng tác ca khúc: “Tiến quân ca”; “Tiến về Hà Nội”…, tất cả đã thành sự thật và giá trị trường tồn đang hiện hữu đi cùng năm tháng, cùng sự đổi thay, tâm thế vững mạnh từng ngày của đất nước ta.
Với khả năng thiên phú cùng sự đam mê học hỏi, sáng tạo, gọt giũa, chăm chút; Văn Cao đã tạo ra lớp lớp màu đa dạng đan xen, hòa trộn tài tình để cho ra đời các bản nhạc “Không ai có được”; các bài thơ “Không ai nhại được” và các bức họa “Không ai nhầm được”. Chỉ vậy thôi cũng đủ cho Văn Cao xứng tầm đại thụ đứng vững trong 3 cõi nghệ thuật ở thế gian này rồi.
Ca khúc "Tiến quân ca" bất hủ
Ngày 16/8/1945, tại Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) để bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đồng thời chọn Quốc ca, Quốc kỳ cho nước Việt Nam độc lập đang đến rất gần.
Trước đó, Nguyễn Đình Thi được Bác Hồ giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến một số đại biểu để chọn các ca khúc cách mạng tiêu biểu gồm: Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao), bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Sau khi phân tích kỹ càng từng ca từ, cung bậc, cảm xúc, dễ lan tỏa,… Bác Hồ lựa chọn “Tiến quân ca”. Theo Bác, bài Tiến quân ca là hợp lý nhất, vừa ngắn gọn, người dân dễ hát dễ thuộc, vừa như lời hiệu triệu mạnh mẽ.
Ngay chiều hôm đó, họp Đại hội chọn Quốc kỳ là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa, chọn Tiến quân ca là Quốc ca và phát lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Ngày 17/8/1945, bài hát “Tiến quân ca” đã vang lên giữa thủ đô Hà Nội và nhanh chóng lan tỏa trên khắp cả nước, tiếp thêm khí thế, sức mạnh cho cả dân tộc đang hừng hực khí thế đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, quyết giành độc lập cho dân tộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được độc lập. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam.
Tiếp theo là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” đã nói lên tất cả niềm hạnh phúc vô bờ của ông cũng như cả dân tộc Việt Nam khi trải qua nhiều chục năm máu lửa hy sinh, mất mát để giành độc lập. Với ca từ đặt ra như một chuỗi định nghĩa, triết lý về nguồn vui không bờ bến khi người mẹ rưng rưng nhìn đàn con đã trở về: “Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên,… Từ nay người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người…”.
Văn Cao nổi tiếng khi cả nước hát Quốc ca, người người đều mê âm nhạc lãng mạn của Văn Cao. Sau này giới chuyên môn coi các sáng tác của Văn Cao là âm nhạc cách tân, âm nhạc tiền chiến và cũng là cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ đương thời vận dụng khai mở thể loại Nhạc đỏ với hàng trăm ca khúc giá trị nghệ thuật đỉnh cao.
Với những đóng góp to lớn cho dòng nhạc lịch sử nước nhà, đặc biệt ca khúc được chọn là Quốc ca Việt Nam. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhất, hạng Ba, Huân Chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật… và nhiều Huy chương cao cấp và Bằng khen các cấp. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố trong cả nước và một số trường học phổ thông mang tên ông.
Thế hệ trẻ hôm nay muốn giành sự tri ân trang trọng nhất với những gì nhạc sĩ Văn Cao đã cống hiến cho cách mạng, thi ca Việt Nam. Bản hùng ca khí phách ngất trời của ông sẽ mãi mãi bừng cháy, vang vọng khắp chốn năm châu.