Sắp khai mạc triển lãm gốm thủ công truyền thống

Hoàng Vân 15/11/2023 14:41

Thông tin từ Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, ngày 18/11 tới, đơn vị sẽ phối hợp với nghệ nhân gốm Nguyễn Trường Sơn tổ chức triển lãm giao lưu giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật tiêu biểu đại diện 2 dòng gốm của Việt Nam.

Triển lãm nhằm tôn vinh những người thợ gốm, đồng thời phát huy giá trị của làng nghề thủ công truyền thống. Ảnh: HNM.

Triển lãm nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị nghề thủ công truyền thống, quảng bá văn hoá địa phương. Chương trình nằm trong khuôn khổ hướng đến Lễ kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023).

Nghề gốm truyền thống đã có lịch sử hình thành lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các sản phẩm gốm Việt luôn có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ của tác giả. Nghệ thuật làm gốm còn là sự kết giao giữa sáng tạo và phương pháp thủ công tinh xảo.

Sinh ra và lớn lên ở làng gốm Bát Tràng, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn không chỉ tiếp nối dòng chảy truyền thống của quê hương mà còn là người tiên phong trong dòng gốm “Be chạch”. Đây là phương pháp làm gốm lưu lại dấu tay của người thợ làm gốm trên sản phẩm, tạo nên bề mặt lồi lõm tự nhiên và vô tình tạo ra khối của ánh sáng trên bề mặt sản phẩm. Quá trình làm gốm “Be chạch” đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, tập trung của người thợ. Qua đây, ta thấy được lòng yêu cái đẹp, khát khao lưu giữ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Trường Sơn nói riêng và những nghệ nhân làng nghề truyền thống nói chung.

Các công đoạn để tạo nên một sản phẩm từ gốm. Ảnh: MH.

Là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay, nghề làm gốm Trường Thịnh ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng từng trải qua nhiều thăng trầm nhưng với nhiệt huyết của các nghệ nhân, làng nghề hiện vẫn được duy trì và hướng đến sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo phục vụ người tiêu dùng.

Nguyên liệu làm gốm Trường Thịnh là đất sét lấy từ các thửa ruộng tại địa bàn. Khi đưa đất về lò, người ta đổ thành luống, tưới đều nước, ngâm ủ khoảng 24 giờ, dùng cuốc băm nhỏ, rồi dùng chân đạp đất cho thật nhuyễn; dùng cát trộn với đất sét theo tỉ lệ thích hợp, rồi đạp nhuyễn, ủ thành từng đống, sau đó đem ra chế tạo thành sản phẩm. Phương thức chế tạo gốm chủ yếu là dùng bàn xoay để định hình sản phẩm, dùng vòng tre để chỉnh độ dày mỏng ở thân gốm, sau khi phơi khô thì đưa vào lò nung. Lò nung gốm là loại lò tròn, chiều cao khoảng 1,5m, đường kính 1m. Phần đáy chừa hai cửa để đốt, phần thân chừa một cửa để ra lò. Việc sắp xếp sản phẩm vào lò nung theo nguyên tắc: Loại dầy để dưới, loại mỏng để trên. Trung bình mỗi lò vào được 150 đến 200 sản phẩm.

Thời gian nung khoảng 2 giờ sau đó ngừng đốt, để nguội và lấy sản phẩm ra. Từ những sản phẩm truyền thống như: thùng, vò, ấm, chậu, nồi, trã, trách, bọng giếng, chum, vại… gốm Trường Thịnh hiện nay có thêm các sản phẩm gốm mỹ nghệ: tượng, chậu hoa, đèn ngủ ốp tường, đồ trang trí trong nhà…

Triển lãm gốm thủ công truyền thống sẽ diễn ra từ ngày 18/11 đến hết ngày 18/12/2023 tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội, số 28 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hoàng Vân