Thi Tốt nghiệp THPT 2025: Phương án thi 4 môn đang thắng thế
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa họp về phương án thi THPT năm 2025 và đa số ủng hộ phương án 2+2.
Phương án 2+2 là thí sinh thi 2 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn thi tự chọn trong các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trong dự thảo Bộ GDĐT công bố xin ý kiến ban đầu, chỉ có 2 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 bao gồm: Phương án 4+2, thí sinh thi 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12; trong phương án 3+2, thí sinh phải thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án 2+2 như đã nói ở trên. Ở thời điểm đề xuất, Bộ GDĐT đánh giá phương án 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử, chi phí cho xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Theo phương án 2+2, sẽ có 13 buổi thi, ít hơn so với hiện nay. Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học trò, tạo điều kiện cho các em dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hiện nay là môn bắt buộc. Vì lẽ đó, Bộ GDĐT vẫn tiếp tục xin ý kiến các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo 3 phương án kể trên.
Phương án 2+2 được ủng hộ
Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa qua, các thành viên Hội đồng đã phân tích những ưu việt của phương án 2+2: đáp ứng chủ trương giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội và khoa học tự nhiên; tạo điều kiện giúp học sinh phát huy năng lực, sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới).
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT có tác động xã hội rất lớn, nếu chậm trễ sẽ tạo tâm lý bất an cho phụ huynh, học sinh.
Bà Lan chọn phương án 2+2 mà Bộ GDĐT đề xuất. Theo bà, bản chất của GDPT là trang bị kiến thức kỹ năng nền tảng. Kỳ thi một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu cho giáo dục đại học, nghề nghiệp. Mặt khác, phương án 2+2 thực hiện đúng chủ trương giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, không gò bó trong khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, đảm bảo tiếp cận bình đẳng trong tất cả các môn học.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh (Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chọn phương án 2+2 và đặt ra những vấn đề như việc xây dựng, công bố dạng thức đề thi, tổ chức thi gắn với đào tạo nguồn nhân lực, ngoài kỳ thi tốt nghiệp cần quan tâm tới đánh giá quá trình học tập của học sinh…
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về việc không thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 dẫn tới việc học sinh không học, khó khăn trong hội nhập quốc tế. Về chủ đề này, GS.TS Thái Văn Thành- Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho hay tại Nghệ An, cách đây khoảng 5 năm chất lượng dạy và học tiếng Anh ở mức thấp. Sau khi tỉnh có cơ chế tác động tới người dạy, người học, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã từng bước nâng lên. Ông Thành cho rằng muốn dạy, học tiếng Anh tốt cần có cơ chế tác động tới giáo viên, học sinh và có môi trường học tập, không phải cứ thi là chất lượng dạy và học ngoại ngữ sẽ tốt lên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GDĐT xây dựng đề án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 toàn diện, có giải pháp cụ thể, nhất là về ngân hàng đề thi, phương án tổ chức thực hiện, thí điểm phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương.