Cơ chế đặc biệt cho Hà Nội
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm trong thảo luận ở nghị trường Quốc hội và trong dư luận nói chung. Trên thế giới không phải thủ đô nào cũng là trung tâm kinh tế, nhưng Thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm kinh tế và văn hoá. Bởi vậy, Hà Nội cần cơ chế mang tính chất riêng biệt, thậm chí là đặc biệt trong vai trò lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho các địa phương trong cả nước.
Với tư cách là Thủ đô, Hà Nội đang là nơi tập trung các cơ quan trung ương. Nghĩa là về hạ tầng, giao thông, an ninh…, Hà Nội đang phải vận hành để đảm bảo mọi mặt cho hoạt động của rất nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành, bệnh viện, trường học, công ty, nhà máy…. Về kinh tế, Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh đang quyết định đến 45% tổng thu ngân sách của cả nước. Về văn hoá và du lịch, Hà Nội là biểu tượng cho những gì đẹp đẽ nhất, văn minh nhất, lịch sự nhất, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Gánh những trách nhiệm lớn lao, Hà Nội, như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, cần thể chế thuận lợi nhất, cần sự phân cấp mạnh mẽ nhất, cần được cơ chế như một đô thị đặc biệt.
TP Hồ Chí Minh hiện nay đã có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Vậy nên cơ chế đặc thù cho Hà Nội, cần thể hiện ngay ở Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này không phải chỉ ở một vài vấn đề về mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông hay phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy… Mà trong một cơ chế tổng thể đặc biệt dành cho Hà Nội, xứng với vai trò đặc biệt của một thành phố được lựa chọn là thủ đô của một quốc gia.
Trong nhiều công việc hành chính của Thủ đô, và có nhiều việc giải quyết nó không phải chỉ là việc riêng của một địa phương, mà là việc của quốc gia. Trọng trách đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt mới có thể giải quyết nổi. Ví dụ Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đâu phải chỉ quyết việc Thủ đô, như quyết định mức học phí của con em địa phương như nhiều tỉnh thành khác, mà có những vấn đề nằm trên địa bàn Thủ đô nhưng lại là việc quốc gia. Và như vậy, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố cũng phải được lựa chọn cho xứng tầm.
Câu chuyện cho thấy vấn đề quan trọng của Thủ đô là thu hút người tài. Nhưng muốn thu hút lại phải có cơ chế chính sách. Hà Nội là thành phố đắt đỏ vào bậc nhất của cả nước, lại gánh trọng trách lớn. Nhưng lương cán bộ, công chức nằm trong chính sách tiền lương được tính chung cho cả nước.
Một số đại biểu Quốc hội hiện nay đang cho rằng khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt.
Quy định quỹ tiền lương của Hà Nội được tăng không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản hiện nay, là một sự cào bằng với các địa phương khác và không cho thấy tính chất đặc biệt của Thủ đô. Giới hạn quỹ tiền lương không quá 0,8 lần là một cơ chế ngăn cản Thủ đô thu hút người tài, trong khi hoàn toàn có thể tạo cho Hà Nội một giới hạn không cần giới hạn. Cần người tài, làm việc trong môi trường đòi hỏi trình độ cao hơn, mức sống đắt đỏ hơn, cán bộ công chức Hà Nội cũng hưởng lương ngân sách như các địa phương khác thì không ai làm việc được.
Cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hành chính công khó có thể được thực hiện khi có một cơ chế đãi ngộ chưa xứng đáng. Mức lương cán bộ, công chức thấp, mà vẫn chen chân vào công chức thì phải có lý do. Phải chăng chính là sự xách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong giải quyết công vụ hành chính công?
Hà Nội có vai trò phải tạo ra hình mẫu của một bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy phải có chính sách tiền lương không phải giới hạn 0,8 lần mà là không có giới hạn.
Nói gì thì nói, Hà Nội bao năm qua với đặc điểm của một đô thị đặc biệt, Thủ đô của đất nước, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, đã và đang là nơi tập trung nhiều người tài nhất nước. Nhưng lại cũng thấy, diện mạo Hà Nội có bao nhiêu phần là nhờ là nơi tập trung nhiều nhất các cơ quan đầu não và tinh hoa nhất, bao nhiêu phần là cơ chế, chính sách của Hà Nội tự tạo ra sự phát triển mang tính đầu tàu.
Có lẽ, Hà Nội cần sự thay đổi mạnh mẽ hơn về cơ chế, về quản lý mới có thể đảm đương trách nhiệm của một Thủ đô, nơi phải tạo ra mẫu hình quản lý đô thị, quy hoạch đô thị và có một bộ máy hành chính công đi đầu về chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ, tinh gọn, hiệu quả, công minh, chính trực nhất cả nước. Mà như thế, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là dịp tạo ra cho Hà Nội một cơ chế đủ sức đảm đương trách nhiệm, phát huy trách nhiệm, phân quyền và giao trách nhiệm cho Hà Nội.