Gỡ vướng cho các Chương trình mục tiêu quốc gia
Tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đảm bảo nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Tại phiên họp, trình bày báo cáo về việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) một số nội dung để chuẩn bị trình Quốc hội Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, qua ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn giám sát thấy rằng, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các Chương trình, việc cho phép kéo dài vốn năm 2023 chưa giải ngân hết (bao gồm cả vốn năm 2022) sang năm 2024 là cần thiết.
Đoàn giám sát đề nghị UBTVQH cho ý kiến đối với việc cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, cho phép kéo dài vốn năm 2022 của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) sang thực hiện trong năm 2024.
Về vấn đề trên, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, đối với việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2022 của Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết và kéo dài sang năm 2024, UBTVQH đã thống nhất chỉ kéo dài phần vốn sự nghiệp năm 2023 để tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Trên cơ sở kết luận của UBTVQH vừa qua khi xây dựng dự toán ngân sách năm 2024 đã thông qua nội dung kéo dài vốn 2023 để thực hiện tiếp trong năm 2024.
Qua quá trình Quốc hội thảo luận tại hội trường, ông Mạnh bày tỏ quan điểm đồng tình với sự cần thiết của việc chuyển nguồn đối với vốn sự nghiệp năm 2022 mà đến nay chưa giải ngân hết. Bên cạnh đó, về vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù, ông Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất việc thông qua chủ trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời giao Chính phủ xây dựng hồ sơ theo thủ tục rút gọn và trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Dù là vì lý do khách quan hay chủ quan thì năm nào cũng cần quyết toán xong dứt điểm năm đó để chủ động kế hoạch các nguồn vốn. Nếu nguồn vốn từ năm 2021 mà chưa làm được thì nên hủy và điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp. Trên cơ sở này Chính phủ cần nghiên cứu thật kỹ, nếu đề xuất kéo dài thời gian thì cũng chỉ nên trong thời gian ngắn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Đoàn giám sát rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, sắp xếp lại nội dung trình trong báo cáo, đảm bảo thống nhất, tránh dàn trải. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại thẩm quyền, trình tự, thủ tục, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua.
Liên quan đến vấn đề về ngân sách như quyết toán ngân sách, kéo dài vốn, Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thẩm tra về nội dung này, tinh thần là tháo gỡ tối đa vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng không được để ra xung đột pháp luật.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước. Tại phiên họp, báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (Điều 16) có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào điểm d khoản 1 tương tự như đối với việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện triển khai trong thực tiễn.
Về vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh bày tỏ quan điểm rằng: Khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. “Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội” - ông Tới cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần làm rõ thêm với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước và đổi tên thành thẻ căn cước sẽ tạo điều kiện cho các công tác quản lý nhà nước và thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự.
Phát biểu tại phiên họp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh dự luật. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, cơ quan soạn thảo cơ bản nhất trí với những định hướng để hoàn chỉnh dự luật. Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quốc phòng và An ninh để tiếp tục tiếp thu, giải trình, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật.
Đồng tình cao với báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến góp ý, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, bổ sung trước khi trình Quốc hội thông qua.