Quảng Nam, Quảng Ngãi: Gồng mình trong mưa, lũ
Những ngày qua tại địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xảy ra mưa lớn trên diện rộng, cùng với các thủy điện xả lũ điều tiết khiến nhiều con sông nước dâng cao, gây ngập lụt nặng ở nhiều nơi, bà con buộc phải chạy lũ.
Tại Quảng Nam, liên tiếp những ngày qua các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ điều tiết nước. Vào lúc 9h ngày 15/11, tại Thủy điện A Vương, lưu lượng nước đến là 267.79m3/s chạy qua máy là 66.30m3/s, qua tràn là 6.29m3/s; Thủy điện Đak Mi 4, lưu lượng nước đến là 303.48m3/s chạy qua máy là 101.25m3/s, qua tràn là 202.23m3/s; Thủy điện Sông Bung 4, lưu lượng nước đến là 413.12m3/s chạy qua máy là 137.90m3/s, qua tràn là 58.00m3/s; Thủy điện Sông Tranh 2 lưu lượng nước đến là 509.74m3/s chạy qua máy là 206.00m3/s, qua tràn là 19.57/m3/s,
Trong khi đó nước đổ về hạ du khiến lũ trên sông Vu Gia lên cao. Nhiều khu vực tại huyện Đại Lộc ngập nặng. Nhiều hộ dân di dời đến nơi an toàn. Như tại xã Đại Đồng, tối 14/11, nhiều người dân phải hối hả dọn đồ chạy lũ. Tất cả lúa, gạo, áo quần và và những vật dụng giá trị như tivi, tủ lạnh được bà con di chuyển lên vị trí cao vì nước lũ đã tràn ngập vào nhiều nhà.
Sáng ngày 15/11, chúng tôi có mặt tại thôn Bàn Tân, xã Đại Đồng. Ông Trương Văn Giọng, người dân ở đây cho biết: “Tối 14/11, nước sông Vu Gia lên quá nhanh đã gây ngập nhiều nhà dân. Rất may tôi đã đưa đồ đạc lên vị trí cao nên không có thiệt hại gì nhiều. Sáng 15/11 tôi đã dọn dẹp bùn đất, cây cối, rác thải nhằm để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng vẫn lo nước sông sẽ tiếp tục dâng cao trở lại do thượng nguồn thủy điện xả lũ và trời thì vẫn mưa lớn”.
Ông Giọng cũng cho biết: “Do năm nào cũng chạy lũ nên để chủ động đảm bảo an toàn tính mạng cho người thân trong gia đình tôi đã mua một chiếc ghe để di chuyển trong mùa nước lũ. Năm nào cũng phải lo chạy lũ, khổ lắm.”
Nhiều người dân ở đây cũng đã phải chủ động dọn đồ để tránh lũ. Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, lúc 9h30 ngày 15/11, nước sông Vu Gia, đoạn chảy qua xã Đại Đồng, Đại Nghĩa và thị trấn Ái Nghĩa thuộc huyện Đại Lộc đang rút xuống, một số người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, rác thải, bùn đất. Nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đưa đồ đạc sinh hoạt của gia đình lên gác nhà hoặc kê lên vị trí cao nhằm đảm bảo an toàn khi nước lũ dâng cao trở lại.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Sau một đêm ngập nặng, hiện nay nước sông Vu Gia đã xuống dưới mức báo động 2. Tuy nhiên chính quyền huyện cũng tuyên truyền, nhắc nhở người cần chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn sẽ tiếp diễn. Những nơi ngập nặng lãnh đạo huyện cắt cử lực lượng chức năng trực phân luồng điều tiết giao thông, hoặc cắm biển cảnh báo các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân”.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi mưa lớn cùng với nước thượng nguồn đổ về đã khiến nhiều nơi lâm cảnh ngập lụt, giao thông chia cắt. Lượng mưa đo được trong các ngày qua ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh cho thấy, thấp nhất là 289mm, cao nhất là 473mm. Một số nơi mưa lớn như huyện miền núi như Minh Long, Trà Bồng Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ.
Sáng 15/11 bà Đinh Thị Trà - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Trên địa bàn hiện nay nước sông Rin đã rút xuống nên người dân có thể lưu thông qua lại trên tuyến quốc lộ 24B và tỉnh lộ 623. Lực lượng chức năng huyện đang kiểm tra tại các tuyền đường trên địa bàn huyện để khắc phục, nhằm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông”.
Trong khi đó, ông Phạm Vinh - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay: Ngày 14/11, trên địa bàn huyện xảy ra vụ sạt lở núi làm sập nhà dân và lũ quét tràn qua đã cuốn trôi một số hàng hóa, nhu yếu phẩm của cửa hàng ông Phạm Chí Thân ở xã Ba Tô, rất may không có thương vong về người. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhỏ. Để chủ động cho tình hình mưa lớn lực lượng chức năng đã di dời 63 hộ/242 khẩu ở khu vực ven sông; 22 hộ/80 khẩu khu vực lũ quét, 661 hộ/2.327 khẩu ở khu vực sạt lở núi, vùng thường xuyên bị chia cắt, ngập lụt 189 hộ/729 khẩu.
Mưa lớn các ngày qua còn gây ngập và chia cắt một số tuyến đường trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. Đến sáng 15/11, trời tạnh mưa nước lũ trên sông Phước Giang, đoạn chảy qua huyện này đã bắt đầu rút xuống, nhiều hộ dân ở thôn An Hòa và Kim Sơn, xã Hành Dũng đã dọn tranh thủ dọn dẹp thu dọn, chuyển đồ đạc trong nhà đến nơi khô ráo.
Trước diễn biến bất thường của mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm, như ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở.