Nhiều siêu dự án 'lỡ hẹn'
Dù đã đưa hơn 300 dự án “treo” vào danh sách giám sát của HĐND TPHCM trong nhiều năm qua, thế nhưng đến nay số dự án hoàn thành tiến độ vẫn “nhỏ giọt”. Đáng chú ý, nhiều siêu dự án nghìn tỷ ì ạch về đích, khiến người dân tại các khu vực dự án tiếp tục bị ảnh hưởng, kể cả việc nhận bồi thường giải phóng mặt bằng cũng bị “treo”.
Trong số các dự án được kỳ vọng về đích nhiều nhất, hai dự án Metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cho đến thời điểm hiện tại còn gặp không ít khó khăn.
Hàng loạt dự án xin lùi “giờ G”
Cụ thể, dự án Metro số 1 được khởi công vào tháng 8/2012, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, UBND TPHCM đã quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Metro số 1 với thời gian hoàn thành là vào quý IV/2021. Nhưng đến đầu quý II năm nay, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị này, trong đó ấn định thời điểm hoàn thành thi công tuyến Metro 1 vào cuối quý IV/2023.
Mặc dù vậy, mới đây Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) đã gửi công văn khấn kiến nghị UBND TP xin gia hạn thời gian thi công dự án Metro số 1 dời sang năm 2024 để hoàn thành. Trong kiến nghị, đại diện MAUR trình bày còn nhiều khó khăn trong các khâu về thanh toán khối lượng còn lại; quyết toán các hợp đồng thi công, tư vấn, các hạng mục còn lại; hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng; thời gian thông báo khiếm khuyết của dự án nhằm đưa dự án vào vận hành… Tương tự, chủ đầu tư tuyến Metro số 2 có lộ trình Bến Thành - Tham Lương cũng vừa được UBND TPHCM đồng ý cho điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm rời thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác dự án đến hết năm 2030 và hai năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành đến hết năm 2032. Trước đó, dự án đã UBND thành phố ưu tiên giao Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý, chính sách bồi thường để đẩy nhanh tiến độ. Trên thực tế đến ngày 22/6 gói thầu đầu tiên về di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án metro số 2 đã được tổ chức khởi công sau 11 năm chờ đợi. Thế nhưng, việc UBND TP phải tiếp tục điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đã cho thấy các khó khăn rất lớn mà “siêu” dự án Metro này đang gặp phải hiện nay.
Không chỉ đối với các dự án trọng điểm đường sắt đô thị, trong lĩnh vực hạ tầng chống ngập đô thị, siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM nhằm phục vụ khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM được khởi công từ năm 2016 sau nhiều lần trì hoãn và tạm dừng cũng chắc chắn không kịp tiến độ về đích. Dự án này là công trình trọng điểm của thành phố, được ưu tiên trong chương trình đột phá “Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” và dự kiến hoàn thành từ năm 2018. Thế nhưng, đến nay tiến độ của dự án vẫn rất chậm và thường xuyên là câu hỏi được cử tri, người dân thành phố đặt ra cho các lãnh đạo thành phố mỗi lần gặp gỡ, đối thoại.
Kế đến, tại 13 dự án được UBND TPHCM trình HĐND thành phố đề xuất vào danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2023 từ tháng 7/2023, đến nay cũng đang chậm tiến độ. Điều đáng nói, trong danh sách này HĐND thành phố không thông qua 4 dự án tại thời điểm đề xuất, trong đó có dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài.
Liên quan đến “siêu” dự án cao tốc này được UBND thành phố đề xuất ưu tiên thu hồi đối với hơn 204ha ở các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi). Trước đó, từ giữa tháng 4/2023 Sở GTVT đã đưa ra các tiêu chí đề xuất đưa cao tốc TPHCM - Mộc Bài vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đường cao tốc này là khoảng 20.889 tỷ đồng. Dự án này có tầm quan trọng rất lớn để “chia lửa” với quốc lộ 22 hiện hữu vốn đang quá tải để khơi thông hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển toàn vùng kinh tế phía Nam. Dù vậy, đề xuất của UBND TPHCM liên quan đến thu hồi đất dự án này vẫn tiếp tục phải chờ đợi và chưa thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiến độ. Do chậm thực hiện dự án, hiện nay Quốc lộ 22 chịu sức ép rất lớn về lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Tập trung tháo gỡ
Thực tế triển khai tháo gỡ tại địa phương, ông Biện Ngọc Toàn - Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch UBND huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, tính đến ngày 17/10, huyện này đã giải ngân khoảng 360 tỷ đồng, đạt 57,43 % kế hoạch vốn đã giao năm 2023. Riêng trong tháng 10 vừa qua, toàn huyện tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, hỗ trợ các dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, với dự kiến tổng giá trị khoảng 979 tỷ đồng. Trong đó, ông Toàn cho biết, riêng dự án Vành đai 3 (giai đoạn 2) đoạn qua địa bàn khoảng 752,7 tỷ đồng. Ngoài ra, để đạt mục tiêu giải ngân trong năm nay, UBND huyện Bình Chánh đã kiến nghị UBND thành phố, các sở, ngành tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các dự án trọng điểm của thành phố đi qua địa bàn, đặc biệt là Dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 50 và Dự án Vành đai 3. Bên cạnh đó, huyện này cũng kiến nghị đẩy nhanh và hoàn thành sửa chữa chung cư tại Khu tái định cư 30ha xã Vĩnh Lộc B để sớm phục vụ bố trí tái định cư ổn định cuộc sống cho người dân ở các dự án trọng điểm.
Còn theo ông Lê Tấn Hồng - Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch UBND TP Thủ Đức (TPHCM, năm nay địa phương được giao khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn bồi thường khoảng 2.200 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 87%, còn lại là vốn xây lấp (khoảng 13%). Dù vậy, ông Hồng cũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân đầu tư công tính đến tháng 10 năm nay mới được khoảng 14%. Do đó, trong hai tháng còn lại của năm nay TP Thủ Đức sẽ tập trung vào một số phương án giá đối với các dự án tuyến đường, đặc biệt là các nút giao thông lớn.
Liên quan đến một siêu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), đại diện TP Thủ Đức cho hay, địa phương đã được UBND TPHCM bố trí vốn bồi thường hơn 1.044 tỷ đồng (chiếm 42,2% tổng kế hoạch vốn TPHCM giao năm 2023). Do đó đã đẩy nhanh được công tác đo đạc, kiểm điểm và xác minh nguồn gốc đất, đến nay đã có bản hoàn thành. Theo ông Hồng, sau khi được UBND TPHCM quyết định phân bổ nền tái định cư, UBND TP Thủ Đức sẽ chỉ đạo triển khai các bước trình duyệt phương án giá đất và tổ chức thực hiện hiện công tác giải ngân theo chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM.
Chủ trì cuộc họp kinh tế - xã hội để bàn giải pháp cho 2 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của thành phố đang chậm và đạt tiến độ thấp. Do đó, đây sẽ là nhiệm vụ đặc biệt tập trung của thành phố trong hai tháng cuối năm. Theo ông Mãi, đến thời điểm này, có 479 dự án giải ngân trên 95% nhưng thực tế tổng vốn của nhóm dự án này không lớn với hơn 1.100 tỷ đồng và chủ yếu là các dự án ở giai đoạn hoàn thành, quyết toán. “Nếu như một số chủ đầu tư, dự án khó khăn, có lý do khách quan thì cũng quyết tâm không được để dưới 80%, phải phấn đấu mục tiêu 95%” - ông Mãi nhấn mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị các chủ đầu tư tổ chức quán triệt, tổ chức lực lượng thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công.
Gỡ khó cho siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Đây là dự án vô cùng quan trọng, cấp thiết nhưng triển khai rất chậm. Trong đó, Dự án có 2 vướng mắc lớn nhất là pháp lý và vốn đã được chỉ rõ để có hướng xử lý phù hợp. Đồng thời, Chính phủ giao quyền cho TPHCM để tăng tính chủ động, đưa dự án hoàn thành. Về vướng mắc pháp lý, Chính phủ gợi ý UBND TPHCM nghiên cứu 2 phương án: Phương án 1, áp dụng Điều 2 của Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ để chủ động giải quyết, nếu vẫn còn vướng mắc thì báo cáo rõ, cụ thể vướng ở điểm nào và đề xuất giải pháp. Phương án 2, báo cáo Thường trực Chính phủ giao Bộ KHĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều khoản chuyển tiếp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, từ đó tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ dự án.