Dân tộc

Đẩy lùi nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Minh 15/11/2023 15:00

Quảng Nam là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trước đây, do nhiều nguyên nhân tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, tình trạng trên đã có chuyển biến tích cực.

image.daidoanket.vn-images-upload-hangnt-11162023-_cac-don-vi-chuc-nang-tinh-quang-nam-trien-khai-nhieu-hinh-thuc-tuyen-truyen-phong-chong-tao-hon.jpg

Xã Tr’Hy, nằm trên cung đường đi cửa khẩu Tây Giang thuộc thôn Tr’Óc, mặc dù chỉ cách trung tâm hành chính của huyện Tây Giang ước chừng 17 km đường chim bay. Tuy nhiên, để đến được xã Tr’Hy phải vượt qua con đường núi hiểm trở gần 30 km với thời gian gần 2 giờ đồng hồ trong điều kiện thời tiết không có mưa và sương mù. Vào mùa đông, mỗi ngày trên con đường từ xã Tr’Hy đến thị trấn Tây Giang và chiều ngược lại, từ 4h chiều cả cung đường gần như vắng bóng người. Xã Tr’Hy, có 6 thôn với 338 hộ dân, 1.148 khẩu, đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống bằng nghề nông, đất đai chủ yếu là vùng đồi núi cao cằn cỗi, sản xuất hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên.

Do điều kiện giao thông thường bị chia cắt bởi địa hình và thời tiết khắc nghiệt nên bà con ít có cơ hội tiếp cận thông tin cũng như kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế. Bà Bríu Thị Pênh, năm nay đã gần 70 tuổi ở thôn Dầm 1, xã Tr’Hy lấy chồng từ năm 14 tuổi nên hầu như bà không có tuổi thơ. Bà Pênh chỉ nhớ quanh năm suốt tháng làm việc quần quật để phục vụ gia đình nhà chồng và nuôi đàn con. Nhưng chồng bà chẳng mấy khi san sẻ công việc cho vợ vì họ lấy nhau khi còn quá nhỏ và hoàn toàn do sự sắp xếp của hai gia đình chứ không phải vì tình yêu.

Bà Pênh cho biết, hồi đó ở vùng đất Tây Giang, lấy chồng sớm như tôi nhiều lắm. Bố mẹ không cần biết con gái muốn lấy chồng hay chưa mà chỉ cần gia đình nhà trai đến xem mặt thấy vừa ý thì bỏ của. Cũng có khi hai gia đình mời nhau uống rượu rồi hứa gả con cho nhau. Thế là chỉ một thời gian sau con gái phải theo sự sắp xếp của người lớn. Vì lấy chồng khi tuổi còn quá nhỏ nên vừa không đủ sức để làm việc, không có kiến thức để làm mẹ và cũng không biết cách chăm sóc con. Đã vậy những người phụ nữ Cơ Tu như tôi thường sinh nhiều con, cuộc sống thiếu thốn đủ mọi thứ từ lương thực, hạt muối ăn cho đến quần áo. Mỗi khi con ốm đau chỉ biết cầu Giàng cho khỏi bệnh. Quanh năm suốt tháng những người phụ nữ phải đi nương rẫy, đi lấy củi, trồng sắn, trồng ngô mới có cái ăn cho gia đình.

Câu chuyện của bà Bríu Thị Pênh tưởng chừng chỉ xảy ra trong quá khứ xa xôi, thế nhưng thực tế nó vẫn xảy ra âm ỉ suốt mấy chục năm nay. Chị A’Tinh Thị Lệ, thôn A’Linh 1, xã Tr’Hy khi mới 15 tuổi vì yêu bạn trai cùng xã rồi có thai nên chấp nhận bỏ ngang chuyện học để làm vợ, làm mẹ. Ngày đó, cha mẹ hai bên đều phản đối vì sợ con cái trẻ người non dạ nhưng cuối cùng đành chấp nhận cho đôi vợ chồng trẻ về chung sống. Chưa đủ lớn, không có kinh nghiệm làm vợ, làm mẹ nên cả hai đứa con của Lệ luôn bị đau ốm, bệnh tật. Hai vợ chồng không có việc làm ổn định nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn.

Chị Lệ chỉ là một trong 6 trường hợp tảo hôn trên địa bàn xã Tr’Hy trong khoảng thời gian 3 năm qua. Còn trên địa bàn 10 xã của huyện Tây Giang, thống kê cho thấy có đến 102 trường hợp tảo hôn từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2022. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số thống kê đầy đủ vì có trường hợp gia đình không tự giác khai báo với chính quyền địa phương. Và như vậy, tình trạng tảo hôn càng phức tạp và khó lường. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, các già làng, trưởng bản, người uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức nhân dân. Già làng Coor Lý, xã Tr’Hy cho biết, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn gây ra hệ lụy to lớn. Con cái ốm đau, bệnh tật trong khi các ông bố, bà mẹ trẻ chưa phát triển hết. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do tập tục trước đây của ông cha để lại nên cần sự tuyên truyền bền bỉ, kiên trì thì bà con mới nghe và làm theo.

Trước thực trạng trên, tại một số huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam như: Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang xuất hiện nhiều cách làm hay trong công tác ngăn ngừa, xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người Cơ Tu như: Cụ thể hóa các nội dung trong xây dựng nông thôn mới gắn với ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước các dòng họ, quy ước thôn, khu dân cư. Bên cạnh đó, thành lập các CLB “không sinh con thứ 3”, CLB “không tảo hôn”, CLB “gia đình hạnh phúc”.

Ông Đặng Tấn Giản, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, có thể nói tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có từ rất lâu đời, diễn biến phức tạp và khó phát hiện. Đây là một vấn đề nan giải đối với các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ sở. Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, riêng Ban Dân tộc đã xây dựng trên 20 CLB về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây là những mô hình hoạt động rất hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cơ sở.

Hy vọng rằng với việc đưa ra các hình thức tuyên truyền khác nhau cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ban, ngành, các huyện miền núi sẽ bớt đi những trường hợp vừa đáng thương, song cũng vừa đáng trách, cho những số phận vướng vào hệ lụy của nạn tảo hôn.

Hoàng Minh