Chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng phải đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 16/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại phiên họp, báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS), ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, về chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS (Điều 4) có ý kiến đề nghị có cơ chế riêng cho việc đầu tư xây dựng các dự án, CTQP và KQS, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng CTQP và KQS nhằm xử lý các vướng mắc trong thực tiễn.
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh bày tỏ quan điểm rằng: Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; việc chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất quốc phòng do Luật Đất đai điều chỉnh; về đầu tư xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng CTQP thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp. Vì vậy đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.
Về công trình lưỡng dụng (Điều 7), ông Tới báo cáo có ý kiến đề nghị chỉnh lý khoản 6 cho phù hợp; bổ sung những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng; rà soát nội dung Điều này để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Về vấn đề trên, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh cho biết: Khoản 6 dự thảo Luật đã quy định cụ thể về nội dung quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi được sử dụng cho mục đích dân sự hoặc quân sự, quốc phòng hoặc sử dụng cả mục đích quân sự, quốc phòng và dân sự mà không phân loại theo hình thức sở hữu của công trình.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm khi áp dụng Luật phù hợp với các đối tượng khác nhau sở hữu công trình dân sự có tính lưỡng dụng (sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân) và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ cụm từ “pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công,” bổ sung cụm từ “được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14” tại điểm a khoản 6, đồng thời chỉnh lý lại khoản 2 và khoản 4 Điều này như dự thảo Luật.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS (Điều 12) tại Khoản 3 có ý kiến đề nghị quy định chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng thuộc CTQP và KQS phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội; đề nghị chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thẩm quyền quyết định mà không phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật. Việc quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS tại điểm b khoản này (chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS trong phạm vi Bộ Quốc phòng, vẫn sử dụng cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng) được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng tài sản công đã thực hiện ổn định. Do đó, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình rà soát, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cần sự thống nhất các nội dung giữa Luật Đất đai và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trong đó đã thống nhất được hai nội dung.
Về vấn đề thu hồi đất đối với đất có diện tích quốc phòng và khu quân sự đang được sử dụng sang mục đích khác, theo ông Thanh, Ủy ban Quốc phòng an ninh đã tiếp thu và sửa, thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, còn đối với Luật Đất đai, Ủy ban Kinh tế cũng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Quốc phòng an ninh trong khoản 5 Điều 201 đối với việc sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự Ủy ban Kinh tế đã dẫn chiếu để thực hiện theo quy định này của Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Cho rằng việc chuyển đổi mục đích, công năng của công trình quốc phòng an ninh còn đang tách rời nhau, ông Thanh đề nghị, khi chuyển đổi mục đích của công trình quốc phòng và khu quân sự cần đồng bộ, không thể đất mục đích này mà công trình ở trên đất lại mục đích khác.