Quảng Nam: Sạt lở đất nhiều nơi, khẩn cấp di dời hàng nghìn người dân

Tấn Thành - Chí Đại 16/11/2023 19:30

Tại Quảng Nam ròng rã những ngày qua mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều nơi xảy ra sạt lở đất đá, nhiều vùng nhà dân bị ngập do lũ. Chính quyền các địa phương đã tích cực di dân đến nơi an toàn và ngành giao thông đang khẩn trương tổ chức khắc phục sự cố để thông tuyến.

Sạt lở đất nhiều nơi

Ngoài việc sạt lở đất làm một ngôi nhà ở huyện Đại Lộc bị hư hại cách đây 2 ngày, thì hiện nay ở các huyện miền núi đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở khiến ách tắc giao thông và người dân vô cùng lo lắng.

Quốc lộ 40B, đoạn qua huyện Bắc Trà My bị sạt lở nặng.

Sáng 16/11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Nam cho biết, mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn km 1377 + 500 thuộc thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn với khối lượng đất đá từ taluy dương trút xuống ước tính khoảng 15.000m3.

Hay như tại km 89 + 450, quốc lộ 24C đoạn qua xã Trà Cang, huyện Bắc Trà My, đất đá tràn mặt đường khiến phương tiện đi lại khó khăn. Cũng tại địa phương này, tại km 66 + 700, trên quốc lộ 40B thuộc xã Trà Tân đã xảy ra sạt lở đất hay trên tuyến quốc lộ 40B, tại khu vực ngầm sông Trường bị ngập sâu từ 0,3m - 0,5m. Mặt đường xuất hiện ổ gà, sình lầy. Còn tại huyện Nam Trà My nhiều vị trí trên tuyến đường qua 2 xã Trà Don và Trà Nam bị hư hỏng nặng.

Đường liên xã huyện Phước Sơn bị sạt lở nghiêm trọng.

Tại xã các miền núi khác như xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn bị tắc đường tại km 63 + 700 do ngập sâu 0,7m - 1m. Quốc lộ 14E đoạn qua xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn bị tắc đường do sạt lở tại km 87 + 750. Trên quốc lộ 14D, qua xã Ta Bhing, xã Tà Pơ, xã ChaVal mặt đường hư hỏng nhiều vị trí nên phương tiện đi lại khó khăn.

Trong khi đó ở đồng bằng, trên quốc lộ 14H, mưa lớn gây ngập sâu từ 0,5 đến 0,7m, dẫn tới tắc đường tại cầu Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Ngoài ra còn có rất nhiều nơi khác cùng chung cảnh ngộ.

Lúc 12h30 ngày 16/11, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho PV Báo Đại Đoàn Kết biết: Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, của ngành giao thông và sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan đã tập trung khắc phục, đến nay điểm sạt lở ở tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn km 1377 + 500 và tuyến Trường Sơn Đông Km74+920 và Km76+600 đã được thông xe. Các địa điểm khác, ngành giao thông cùng với các địa phương đang khẩn trương tích cực khắc phục để thông tuyến.

Khẩn cấp di dân

Sáng ngày 16/11, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam cho biết: Do tình hình mưa lớn nên ở huyện miền núi Bắc Trà My đã triển khai phương án sơ tán gần 4.000 người ở khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao về sạt lở đất.

Đất đá sạt lở xuống ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Liên.

“Theo quan trắc, mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất ở 13 huyện trên địa bàn tỉnh”, ông Trương Xuân Tý nói.

Còn bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My cho biết: “Sạt lở đất đá tràn vào nhà tôi, rất may không có thiệt hại về người. Hôm qua bà con hàng xóm đã đến hỗ trợ dọn dẹp, nhưng tôi đang lo mưa lớn chưa dứt sẽ làm đất đá tiếp tục tràn xuống nhà thì không biết làm sao đây”.

Trước tình hình trên, huyện Bắc Trà My đã triển khai tuyên truyền, vận động sơ tán 1.100 hộ với 3.790 khẩu ở khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao về sạt lở đất đến nơi an toàn. Hiện đã sơ tán 45 hộ với 167 khẩu thuộc các xã Trà Bui, Trà Tân, Trà Đông, Trà Kót và thị trấn Trà My. Đối với các hộ chưa sơ tán, chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động sơ tán.

Trong khi đó, tại huyện Đại Lộc nơi ngập nặng nhất những ngày qua, chính quyền đã sơ tán 3 hộ/8 khẩu có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở đất tại thị trấn Ái Nghĩa và có kế hoạch sơ tán 11 hộ còn lại trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tại huyện Nam Giang đã sơ tán 2 hộ/8 khẩu trong vùng nguy cơ sạt lở tại xã Đắc Tôi và xã Zuôih…

Ông Mai Văn Tình, ở xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn cho biết: “Mưa lớn những ngày qua khiến đất đá trên đồi núi bị sạt lở tràn xuống làm hư hỏng một phần ngôi nhà của tôi. Chúng tôi rất lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng rất may được lực lượng chức năng sơ tán tài sản cùng gia đình tôi đến nơi ở an toàn”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Công Điểm cho biết: “Mưa lớn khiến nhiều địa điểm ở các xã vùng cao của huyện xảy ra sạt lở gây ách tắc giao thông và đe dọa đến tính mạng của các hộ dân. Do đó, chính quyền huyện đã chỉ đạo các xã khẩn trương sơ tán các hộ dân ở vùng trũng thấp ven sông, suối hay ở vùng có nguy cơ sạt lở núi cao đến nơi ở tạm để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời cắt cử lực lượng dân quân tự vệ tục trực sẵn sàng sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp xảy ra”.

Lực lượng chức năng khắc phục điểm sạt lở tại cầu Phước Sơn.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh cho biết, tính đến trưa ngày 16/11, mưa lũ đã làm 10 ngôi nhà dân hư hại. Trong đó 7 nhà ở huyện Nam Giang ảnh hưởng do sạt lở, thiệt hại từ 30% đến trên 50%; huyện Bắc Trà My có 3 nhà thiệt hại dưới 30%; huyện Núi Thành có 1 nhà bị tốc mái do lốc xoáy. 5 con bò chết do mưa lạnh và bị cuốn trôi; 3 con heo, 1 con dê bị chết, có đến 1.250m2 diện tích ao nuôi cá truyền thống bị thiệt hại từ 5- đến trên 70%,…

Để đối phó với mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố,… yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân là trên hết.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu: “Phải khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt...”

Tấn Thành - Chí Đại