Lời giải cho bài toán phát triển bền vững
Thực hiện kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường. Theo giới chuyên gia, kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cũng như sự hỗ trợ của quốc tế.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới. Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.
Không thể bàn mãi về lý thuyết
Sáng 16/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, câu chuyện của kinh tế tuần hoàn cách đây 5 năm còn là một điều rất xa, nhưng nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững. Theo Phó Thủ tướng, không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng. Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi mãi trường tồn, ở đây phải là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức. Điều này đòi hỏi phải chuyển lý luận thành thực tiễn chính sách và khuôn khổ pháp lý. Đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan. Mọi chi phí, kết quả kinh tế phải được hạch toán, để thấy rằng tiếp cận kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích như thế nào.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường. Kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam rất quan trọng.
Doanh nghiệp nỗ lực chuyển mình
Đối với Việt Nam, các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế trước nhiều thách thức. Điều này buộc doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực thay đổi rất lớn.
Tiên phong tại Việt Nam với sáng kiến xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa thông qua mô hình hợp tác công tư (PPC), bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang mất gần 70% giá trị của vật liệu nhựa, tương đương với gần 3 tỷ USD/năm; đồng thời, thải ra môi trường rác thải nhựa và gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, cần phải bẻ hướng dòng chảy của nhựa theo hướng tuần hoàn và quay lại để phục vụ đời sống con người thay vì bị loại bỏ.
Tại Uniliver Việt Nam có khoảng 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy. Đồng thời, cũng cắt giảm được 52% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Tuy nhiên, theo bà Vân, cần phải hợp tác nhiều phía mới giải quyết được vấn đề, quan trọng nhất là phải xây dựng được nhận thức trong cộng đồng.
"Về vấn đề hợp tác, kinh tế tuần hoàn nhựa dễ nói nhưng rất khó làm vì có nhiều thách thức, điều này đòi hỏi phải đặt công sức, sự quyết liệt và đưa ra cam kết trong vấn đề đầu tư, nhìn đường dài để đưa mô hình đi vào vận hành" - lãnh đạo Unilever Việt Nam bày tỏ.
Trong bài tham luận của mình, ông Takeuchi Takashi - Phó Tổng Giám Đốc khối Văn phòng Aeon Việt Nam nói, cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Aeon phổ biến như tiết giảm dùng túi nilon sử dụng 1 lần, tái chế bằng việc sản xuất phân bón từ thực phẩm dư thừa…
Tương tự, Tập đoàn TH đã thực hiện lồng ghép chiến lược ESG (môi trường – xã hội – DN) vào chiến lược phát triển. Các hoạt động dễ hình dung để phát triển kinh tế tuần hoàn là thu gom vỏ hộp sữa tại các cửa hàng, để rồi tái chế. Năm 2022, Tập đoàn TH đã giảm tiêu hao nhiên liệu tại nhà máy bằng việc chuyển đổi từ dầu FO (nhiên liệu hóa thạch) sang nhiên liệu sinh khối (đốt phụ phẩm dăm gỗ từ ngành chế biến gỗ). Bằng việc thực hiện thay đổi này, toàn bộ hệ thống nhà máy của Tập đoàn sẽ giảm hơn 85% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2021. Hay như việc giảm 50% thìa ở trong thùng sữa chua, tập đoàn đã cắt giảm được 200 tấn nhựa/năm.
Hiện không chỉ những tập đoàn lớn nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam mà nhiều DN vừa và nhỏ cũng đưa ra nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn.
Ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG dự báo, tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều DN áp dụng chiến lược ESG (môi trường – xã hội – doanh nghiệp) vào kinh doanh. Để thúc đẩy hơn nữa các tác động của kinh tế tuần hoàn và tiến trình thực hiện, cần có sự hợp tác liên ngành nhằm đạt được những kết quả lớn hơn.
“Tôi tin rằng với kế hoạch này và thông tư gần nhất của Chính phủ về thị trường giao dịch carbon, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực. Đây cũng sẽ là thế mạnh cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu” – ông Roongrote nhấn mạnh.
Mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khẳng định, nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Có tới 80% nguy cơ tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. Bằng cách tạo ra thay đổi từ khâu thiết kế, DN có thể đáp ứng phù hợp hơn với những mong đợi ngày càng tăng của xã hội.
Đại diện UNDP khuyến nghị, áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bắt đầu từ các yêu cầu chung mang tính sinh thái cho các sản phẩm như bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống, dệt may và điện tử, tập trung vào các DN vừa và lớn. Các chính sách tuần hoàn, đầu tư và chiến lược sẽ góp phần thực hiện tham vọng về khí hậu của Việt Nam và xúc tác để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các tiêu chuẩn ESG của DN sẽ khuyến khích sự liên kết của hoạt động kinh doanh và giúp tiếp cận nguồn vốn xanh.
Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, VietinBank cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ DN tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững để ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Ông Sơn đưa ra thống kê với danh mục cho vay khách hàng tới 30/9/2023 đạt trên 1,38 triệu tỷ đồng,VietinBank đã dành nguồn lực lớn (đạt gần 550 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng danh mục cho vay) để tài trợ cho các lĩnh vực tiềm năng của mô hình kinh tế tuần hoàn như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng và năng lượng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và giao thông vận tải, quản lý chất thải... Tỷ trọng tài trợ phát triển bền vững trong tổng danh mục tín dụng của ngân hàng đã nâng dần từ 1,47% năm 2018 lên 6,05% năm 2022, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp lâm nghiệp bền vững, xử lý nước và rác thải...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, đến năm 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.