Gỡ khó cho nông sản khi lên sàn
Bán hàng qua các nền tảng trực tuyến là giải pháp không chỉ tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, mà còn tạo điều kiện quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương... tới người tiêu dùng.
Chi phí O đồng, hiệu quả lớn
Nắm bắt xu thế tiêu dùng trực tuyến, nhiều nông dân tại tỉnh Ninh Thuận đã ứng dụng công nghệ thông tin triển khai mô hình “cửa hàng điện tử”. Nhờ triển khai mô hình này nhiều nông hộ trồng nho ở Ninh Thuận không rơi vào tình cảnh được mùa rớt giá, trái lại đầu ra cho sản phẩm ổn định và được giá.
Với 5.000m2 trồng nho, câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn luôn là bài toán khiến anh Tống Minh Hoàng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận phải trăn trở. Nhận thấy xu hướng mua bán hàng trực tuyến ngày càng phổ biến, anh Hoàng đã tìm tòi, học hỏi và tự lập website quảng bá sản phẩm trên internet và mạng xã hội. Hơn 2 năm trở lại đây, vườn nho của anh Hoàng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, dần trở thành địa chỉ tin cậy, đón nhiều lượt khách đến tham quan, mua nho tươi tại vườn. Thu nhập tăng, anh Hoàng đầu tư vốn lập trang web quảng bá cho sản phẩm của gia đình đồng thời liên kết quảng bá sản phẩm cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Tương tự, nhờ nhanh nhạy tìm đến các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử Sendo và mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok…sản phẩm của hợp tác xã (HTX) sơ ri Bình Ân - Gò Công Đông (Tiền Giang) đã được phủ rộng nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chia sẻ về quá trình đưa sản phẩm của hợp tác xã lên sàn trực tuyến, ông Nguyễn Trọng Thế - Giám đốc HTX cho biết, thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của HTX được người tiêu dùng trên cả nước biết đến.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên sàn thương mại điện tử, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cùng TikTok cho ra kênh Chợ phiên OCOP và được livestream hàng tuần để quảng bá, bán các sản phẩm đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất. Qua 6 tháng triển khai, đến hết tháng 10/2023 đã có hơn 800 phiên livestream trên Chợ phiên OCOP được thực hiện, thu hút hơn 300 triệu lượt xem, mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho các sản phẩm OCOP.
Còn nhiều áp lực
Đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là khi các kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp. Tuy nhiên, do tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử là một phương thức khá mới mẻ với người nông dân nên cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để bà con quen với phương thức này.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, thương mại điện tử là hình thức mới, khó nhưng là xu hướng tất yếu mà các nhà cung ứng Việt Nam cần sớm gia nhập sân chơi này. Cũng theo ông Tiến, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các sản phẩm nông nghiệp sẽ gặp những hạn chế về năng lực và khả năng tài chính, chẳng hạn như cạnh tranh về giá, làm các chương trình khuyến mại. Đây cũng chính là khó khăn mà ngành nông nghiệp gặp phải khi triển khai chương trình OCOP.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận: Việt Nam có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản. Việc bán hàng online giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ rất hiệu quả. Song trong quá trình bán hàng online, đa phần người dân, hợp tác xã vẫn còn hạn chế trong khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu, mà mới tập trung bán hàng. Do đó, việc phát triển thị trường, kết nối đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng vẫn còn khiêm tốn.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ số (Bộ Công thương) nhận định, tuy không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thực tế, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn rất nhỏ lẻ, khiêm tốn.
Những khó khăn đến từ nhận thức và nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh này. Hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản còn thiếu nhân lực hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...
Để gỡ khó cho nông sản Việt khi tham gia sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai hợp tác chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử Shopee, Voso, Tiki, Lazada, kết nối đối tác với doanh nghiệp để thực hiện chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công thương còn phối hợp với các tỉnh, địa phương cũng như sàn thương mại điện tử đào tạo các hợp tác xã, hộ kinh doanh làm chủ được công nghệ, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh để thích ứng với xu hướng thương mại mới.