Hơn 14.600 tỷ đồng phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM
UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Địa phương đặt mục tiêu sẽ phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và sáng tạo quan trọng, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố và xuất khẩu.
Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 9.615 tỷ đồng, còn lại ngân sách từ nguồn xã hội hóa.
UBND TPHCM xác định ngành công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, hình ảnh và con người thành phố.
Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển 8 ngành là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Những giải pháp ưu tiên phát triển ngành này đến năm 2030 như quy hoạch vị trí phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, đẩy mạnh quản bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa, hình thành trung tâm mua sắm, thương mại, giải trí.
Ngoài ra, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về công nghiệp văn hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thành lập Trung tâm phát triển và sáng tạo công nghiệp văn hóa; đồng thời, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử mang tính đặc trưng, đặc sắc của thành phố.
Cũng dịp này, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Trường Đại học Văn hóa TPHCM đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TPHCM”. Nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, giới chuyên môn của nhiều lãnh vực thuộc 9 hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM đã tham dự.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, là nền tảng cho sự hình thành tiểu vùng văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. TPHCM còn là điểm giao thoa của nhiều vùng văn hóa trong nước, cùng với đó là sự hội nhập sâu rộng với văn hóa quốc tế đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa phong phú, độc đáo của riêng Sài Gòn - TPHCM với những giá trị cốt lõi như lối sống cởi mở, tinh thần kinh doanh, sáng tạo.
“Những giá trị văn hóa độc đáo ấy chính là nguồn lực nội sinh quan trọng của TPHCM. Khai thác và phát huy những giá trị văn hóa này sẽ là chiến lược đúng đắn để thành phố phát triển bền vững, nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc riêng” - ông An nói.