Xã hội

Quảng Nam, Quảng Ngãi: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Tấn Thành, Chí Đại 18/11/2023 07:45

Tại 2 tỉnh nói trên mưa lớn gây sạt lở ở nhiều tuyến đường và gây ngập lụt ở một số khu dân cư, làm hư hỏng tài sản, nhà cửa người dân. Lực lượng chức đã huy động nhân lực, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả.

khac-phuc-1(1).jpg
Huyện Nam Trà My huy động máy móc khắc phục điểm sạt lở trên đường ĐH1.

Ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Trà My cho biết: “Do mưa lũ còn diễn biến phức tạp nên trước mắt ưu tiên tập trung san ủi đất đá tràn xuống nền đường để đảm bảo cho người dân và phương tiện thô sơ lưu thông tạm thời. Thời tiết ổn định sẽ giải phóng dứt điểm các khối lượng đất, đá này”.

Còn đối với nhà dân sạt lở, bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My cho biết: “Nhà tôi bị sạt lở, 2 ngày nay nhờ bà con và lực lượng cứu hộ của địa phương đến hỗ trợ dọn dẹp, bây giờ cơ bản đã xong, nhưng mưa vẫn tiếp diễn không biết tình hình rồi sẽ ra sao”.

khac-phuc-2.jpg
Bà Nguyễn Thị Liên, cho biết nhà bị sạt lở đất đã được dọn dẹp.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, sáng 17/11, tại các điểm sạt lở trên tuyến đường quốc lộ 24C, đoạn qua xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My; tuyến đường từ xã Trà Linh - Măng Lùng, tuyến đường Đ1K8 từ xã Trà Dơn đi Trà Leng, thuộc huyện Nam Trà My đã được các ngành chức năng huy động nhân công, máy móc tập trung khắc phục, nên người dân, các phương tiện đã lưu thông qua lại được.

Còn tại huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương, Trưởng phòng NNPTNT huyện cho biết: “Chính quyền huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với các đơn vị liên quan nỗ lực khắc phục các điểm sạt lở và cơ bản đã thông được các tuyến đường này. Hiện nay mưa vẫn diễn ra phức tạp nhưng chính quyền xã cũng như người dân địa phương đã dự trữ lương thực, thực phẩm đủ cung cấp vài tuần cho nhân dân và sắn sang các phương án ứng phó”.

khac-phuc-3.jpg
Ông Trần Vĩ Chí dùng vòi nước xịt rửa trôi lớp bùn non.

Trong khi đó tại Hội An người dân cũng đang tranh thủ trời tạnh mưa cùng nhau ra dọn bùn đất. Ông Trần Vĩ Chí ở phường Minh An cho hay: “Ngay sau khi nước rút, tôi đã tranh thủ dùng vòi nước, chổi để chà, rửa làm trôi đi lớp bùn non bám trên mặt đường trước nhà mình. Việc này phải làm ngay khi nước vừa rút xuống, chứ bùn non khô lại sẽ khó có thể lau sạch. Phải dọn dẹp sạch sẽ để ổn định cuộc sống và đón du khách trở lại phố Hội tham quan”.

Theo đó, dọc các tuyền đường như Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, hay chợ Hội An,… nước rút đến đâu người dân tranh thủ dọn dẹp đến đó. Nhưng có một điều đáng lo là hiện tại ở Quảng Nam mưa lớn vẫn đang tiếp diễn từ đồng bằng cho đến miền núi, nên công tác khắc phục hậu quả lũ lụt còn gặp rất nhiều khó khăn.

khac-phuc-4.jpg
Người dân tranh thủ dọn vệ sinh môi trường ở đường Lê Lợi, Hội An.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, mưa lớn những ngày qua đã làm sạt lở một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình này, các địa phương và ngành chức năng đã tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục, ổn định cuộc sống người dân.

Như tại đèo Viôlắc đoạn qua địa bàn xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ bị sạt lở nặng khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ. Nhưng nhờ các đơn vị thi công, lực lượng chức năng đã nỗ lực khắc phục các vị trí này nên đã khôi phục lại giao thông trên tuyến.

khac-phuc-5.jpg
Khắc phục điểm sạt lở trên quốc lộ 24, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi và Kom Tum.

Ở huyện Ba Tơ, mưa lớn còn gây thiệt hại nặng cho hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà ở của người dân. Ngay sau đó chính quyền địa phương cùng bà con đã khẩn trương dọn dẹp, thông đường các tuyến giao thông bị đất đá sạt lở chia cắt; tổ chức sửa chữa nhà ở bị hư hỏng do mưa lớn gây ra.

Như chính quyền địa phương và người dân ở các thôn Làng Xi, Mang Lùng 1, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ đã tập trung dọn dẹp đất đá sạt lở xuống đường. Đồng thời tổ chức dựng lại nhà cho 3 hộ dân bị sập, đảm bảo sớm có chỗ ở an toàn và đưa người dân trở về nhà của mình, ổn định cuộc sống.

khac-phuc-6.jpg
6: Lực lượng chức năng giúp dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng do sạt lở núi.

Ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “Ngoài việc tập trung khắc phục hậu quả do lũ gây ra, hiện tại UBND huyện đã chỉ đạo cán bộ xã, thôn phải theo dõi tình hình mưa lũ, đồng thời chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tiếp tục theo dõi sát các vị trí có nguy cơ sạt lở rộng ở xã Ba Nam để triển khai ứng phó với tình huống khẩn cấp”.

Ông Mai Văn Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến thời điểm nay các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khắc phục, giao thông đã thông suốt. Tuy nhiên, mưa lớn tại khu vực miền núi còn tiếp diễn, nguy cơ tiếp tục sạt lở đất là rất cao. Do đó, lực lượng chứng năng đã cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, đồng thời cảnh báo các phương tiện chú ý khi lưu thông qua tuyến đường này.

Ông Võ Thanh An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Sau khi nhận được thông tin về tình mưa lũ làm một số nhà dân ở huyện miền núi bị sạt lở đất đá hư hỏng. Mặt trận tỉnh đã chỉ đạo các Mặt trận các cấp huyện, xã đến thăm hỏi, động viên, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục để sớm ổn định lại cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát các khu dân cư có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở, triển khai phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn”.

Tấn Thành, Chí Đại