Tự hào Mặt trận
93 năm qua, sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, hoàn cảnh. Tự hào với truyền thống, ở giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ Mặt trận tận tụy hơn với công việc, bám sát hơn với phong trào, khơi dậy trách nhiệm, niềm tự hào tự tôn dân tộc để đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kể từ khi Đảng thành lập (3/2/1930) và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là MTTQ Việt Nam vào ngày 18/11/1930. Lịch sử 93 năm qua, dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng đoàn kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình.
Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu xây dựng Tổ quốc ngày càng cường thịnh, nhân dân ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi nhưng muốn đoàn kết phải có Mặt trận. Chính vì vậy, việc thành lập Mặt trận là để tinh thần đại đoàn kết được phát huy, đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Mỗi lần đến với Mặt trận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhắc đến bài học đoàn kết. Ở đó, người đứng đầu Đảng ta luôn đề cao tinh thần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì thực tiễn đã rút ra một bài học sâu sắc là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết. Mặt trận có sứ mệnh tổ chức đoàn kết, tạo ra các phong trào đoàn kết trong mọi tiến trình phát triển của đất nước.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành mái nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi và kiều bào ta ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, ý chí, trí tuệ và khả năng của mình để xây dựng, bảo vệ đất nước, chăm lo cho cuộc sống của người dân, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Với vai trò, vị trí của mình, mọi hoạt động do Mặt trận phát động, khởi xướng và tổ chức thực hiện đều có tác động và sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Trong nhiều năm qua, Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, với cấp ủy chính quyền ở trên 100 nghìn khu dân cư cả nước vận động nhân dân phát huy hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, cùng đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết dưới mái nhà chung MTTQ Việt Nam được biểu dương mạnh mẽ khi đất nước đối mặt với dịch Covid-19, từ thiên tai, bão lũ cho đến các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Trên tinh thần này, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), năm 2023, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - nghìn mái nhà hạnh phúc” để kêu gọi và phát động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên, nhằm đảm bảo đến năm 2024, các hộ nghèo trong toàn tỉnh Điện Biên sẽ có nhà ở an toàn, ổn định, nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được bắt nguồn từ sáng kiến của Mặt trận. Dưới “Mái nhà chung” Mặt trận, các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân được Mặt trận mời gọi để chung tay hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên và một số địa bàn vùng Tây Bắc. Từ sáng kiến này, những tấm lòng nhân ái lại tìm về Mặt trận để đóng góp, sẻ chia.
Có thể thấy, khi các hoạt động an sinh xã hội gắn với sự kiện lịch sử và từng địa phương khó khăn cụ thể sẽ tạo được nhiều kết quả thiết thực, có tính hiệu quả cao, giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đó không chỉ là mục tiêu mà chương trình thực hiện đang hướng đến, mà còn tiến thêm một bước trong đổi mới phương thức, cách làm, tạo ra nhiều kỳ vọng trong công tác chăm lo cho người nghèo.
Trong giai đoạn hiện nay, làm thế nào để Mặt trận luôn là hình ảnh tiêu biểu của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Không chỉ là việc tập hợp sức mạnh nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, mà Mặt trận còn có vai trò quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Với tinh thần này, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ký ban hành Kế hoạch số 688/KH-MTTW-BTT về việc triển khai các nội dung công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Việc ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
Những ngày này, đi khắp các vùng quê, nơi nào cũng rộn ràng với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau 20 năm triển khai thực hiện, xuất phát từ yêu cầu mới hiện nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về “Đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới”, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt…
Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu dương cho lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành ngày hội của lòng dân để hướng về kỷ niệm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam. Tự hào với truyền thống, mỗi cán bộ Mặt trận càng tận tụy hơn với công việc, bám sát hơn với phong trào, khơi dậy trách nhiệm, niềm tự hào tự tôn dân tộc để đoàn kết toàn dân từ những cộng đồng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày này, đi khắp các vùng quê, nơi nào cũng rộn ràng với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau 20 năm triển khai thực hiện, xuất phát từ yêu cầu mới hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về “Đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới”, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt…