Nâng cao vị thế hàng Việt
Thông qua các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, hàng Việt đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị trên thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để nắm bắt được xu thế đưa Việt Nam trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần phải có những giải pháp căn cơ.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng nhiều cho Walmart
Theo bà Andrea Allbright - Phó Chủ tịch điều hành, phụ trách bộ phận thu mua Tập đoàn Walmart, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart toàn cầu. Hàng Việt Nam không chỉ đã thâm nhập vào hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ mà còn tại các thị trường lớn khác như: Trung quốc, Canada, Mexico…
Hiện Walmart đã thu mua từ Việt Nam hàng tỷ USD hàng hóa mỗi năm, tuy nhiên vẫn đang tập trung phần lớn vào các mặt hàng như dệt may, da giày, thực phẩm… Sắp tới, Walmart sẽ tập trung mở rộng hoạt động thu mua sang các nhóm mặt hàng gia dụng, thiết bị điện - điện tử, đồ chơi các loại…
Phó Chủ tịch Tập đoàn Walmart đưa ra đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ quá trình mở rộng hoạt động và tăng cường sự ổn định chuỗi cung ứng của Tập đoàn Walmart tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng lớn gây ra bởi các cuộc xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, quan điểm của Việt Nam là tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, thông qua đó tiến tới chủ động được nguyên liệu, linh kiện đầu vào, nỗ lực đảm bảo chuỗi “cung ứng sạch và ổn định”, tuân thủ tuyệt đối các quy định về phát triển bền vững Việt Nam đã cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả việc bảo vệ tự nhiên, môi trường, chống sử dụng lao động cưỡng bức…
Từ đây có thể thấy, cơ hội để xuất khẩu hàng, đưa hàng Việt đặt trên kệ của các tập đoàn bán lẻ quốc tế ngày càng được mở rộng.
Và thực tế, bên cạnh Walmart, hàng loạt hàng hóa của Việt Nam nói cũng được các Tập đoàn bán lẻ khác như Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan), NTUC FairPrice (Singapore)... thu mua và giới thiệu. Hay như thông tin từ Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Thái Lan) thông tin, ngoài các mặt hàng rau, củ, quả được xuất khẩu sang Thái Lan và Singapore, nhà phân phối này đã đưa sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam có mặt tại thị trường Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).
Liên kết để đi sâu vào chuỗi cung ứng
Hàng hóa của Việt Nam đã vươn tới nhiều thị trường khó tính nhờ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Song để nâng cao thị phần, tiến sâu vào chuỗi cung ứng thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó việc đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Để đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng liên kết để vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần chớp cơ hội giao thương với các tập đoàn bán lẻ, tiến sâu chuỗi cung ứng.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đồng bộ giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ theo hướng đáp ứng các quy định về chất lượng, quy trình sản xuất… nước sở tại.
“Tuy nhiên bên cạnh sự nỗ lực của DN Việt Nam, đòi hỏi hệ thống siêu thị quốc tế hỗ trợ thiết kế, chọn lựa sản phẩm phù hợp xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống bán lẻ”- ông Phong kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, các địa phương cần phát huy vai trò, tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các sản phẩm có thế mạnh, lựa chọn một số thị trường thực sự có tiềm năng và tập trung vào một số doanh nghiệp đầu tàu để từ đó làm động lực cho ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022. Thông qua các kênh phân phối lớn, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã lên kệ các siêu thị lớn tại Pháp, Australia, Nhật Bản, Thái Lan... Hàng hóa được bày bán đều là nông sản nổi tiếng của Việt Nam như: vải thiều, thanh long, chuối, nước mắm... và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng sản phẩm.
Là DN có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm Aeon Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, các sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến hơn rất nhiều so với trước. Hàng Việt Nam được ghi nhận có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.
“Để tham gia thành công hơn vào chuỗi cung ứng, các DN cần cải thiện hơn nữa về thương hiệu và logistics, để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sản phẩm hơn, đồng thời tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, đúng nơi, đúng lúc và đúng số lượng họ cần”- ông Chính khuyến cáo.