Khai thác giá trị từ di sản công nghiệp
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với định hướng “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành Tổ hợp văn hóa sáng tạo” được kỳ vọng sẽ mang tới những trải nghiệm mới với những không gian nghệ thuật đặc sắc. “Di sản công nghiệp” là điểm nhấn của lễ hội lần này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, tái thiết di sản công nghiệp là góp phần tái sinh khu vực đô thị, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời tạo ra những giá trị cho nền kinh tế sáng tạo.
PV: Bà đánh giá như thế nào về việc cải tạo các không gian công nghiệp thành những tổ hợp sáng tạo, thẩm mỹ?
GS.TS TỪ THỊ LOAN: Cũng giống như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, di sản công nghiệp cần được bảo tồn như một bằng chứng sống động cho những giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Nhìn lại thời gian qua, nhiều di sản công nghiệp của chúng ta đã bị biến mất trong quá trình phát triển. Đó là điều rất đáng tiếc.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, việc cải tạo không gian 2 di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian sáng tạo là việc làm rất phù hợp và kịp thời để lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo, điểm du lịch hay các trung tâm nghệ thuật giải trí hấp dẫn đã được nhiều quốc gia thực hiện, tuy nhiên khái niệm “di sản công nghiệp” ở nước ta vẫn còn khá mới?
- Theo định nghĩa của Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, các di sản công nghiệp có thể là các nhà xưởng, máy móc, các khu mỏ khai khoáng, nơi chế biến, sản xuất, bến bãi, đường tàu hỏa, cầu và các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa của nền sản xuất công nghiệp hóa. Di sản công nghiệp không chỉ bao gồm các vật thể (có giá trị) còn lại mà hàm chứa cả các tầng ý nghĩa, tính biểu tượng, câu chuyện, ký ức, các sự kiện có tính bước ngoặt trong phát triển - là các giá trị phi vật thể gắn với tiến trình lịch sử công nghiệp hóa của loài người.
Hiện nay, UNESCO đã ghi nhận 28 di sản công nghiệp trong tổng số 529 di sản văn hóa trên toàn cầu. Ở nước ta có nhiều công trình công nghiệp có giá trị di sản, nhưng chưa có khái niệm di sản công nghiệp. Vì khái niệm này chưa được pháp lý hóa bằng văn bản pháp luật, mới chỉ được đưa ra và bàn luận bởi các nhóm chuyên gia nên chưa thể bảo vệ các di sản này. Đó chính là rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ những di sản công nghiệp tại Việt Nam. Một vài công trình công nghiệp có giá trị di sản đã bị xóa sổ như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ..., hay tòa nhà Postef ở Hà Nội hồi tháng 4/2022 đã từng suýt bị phá dỡ để nhường chỗ cho một trung tâm thương mại 11 tầng.
Tại Hà Nội hiện vẫn còn nhiều nhà máy, công trình đang trong diện chuyển đổi, di dời. Đây là những không gian đặc biệt được xây dựng lâu năm, mang giá trị di sản nhưng vì sao lại không được chú trọng đầu tư để cải tạo thành không gian sáng tạo?
- Đối với thành phố, việc tái thiết các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian sáng tạo là rất cần thiết, bởi nó có thể minh chứng cho tính khả thi về kinh tế, văn hóa, môi trường, tạo động lực cho cộng đồng cùng sáng tạo. Nhìn từ các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế sáng tạo phát triển, di sản công nghiệp được đầu tư, phát huy hiệu quả cao. Thế nhưng ở nước ta vẫn chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ. Trong quá trình phát triển công nghiệp từ trước tới nay, cũng chưa từng đề cập các yếu tố về di sản văn hóa. Thêm vào đó chưa có khái niệm di sản công nghiệp và được pháp luật công nhận để bảo vệ nên việc nghiên cứu, khảo sát... để có hướng chuyển đổi hay bảo tồn đều rất khó khăn.
Trên thực tế, HĐND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch di dời 9 nhà máy công trình cũ ở khu vực nội đô, đây sẽ là điều rất đáng tiếc nếu sử dụng những khu đất đó theo hướng khai thác chuyển đổi thành khu đô thị thu về giá trị kinh tế… Mặc dù chuyển đổi là nhu cầu tất yếu của đô thị hiện đại, song sự phá hủy toàn bộ di sản cũ, mất dấu hoàn toàn những giá trị lịch sử gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thực sự là việc làm đáng tiếc.
Vì vậy cần có kế hoạch chuyển đổi hợp lý, có chính sách, quy định, phương thức thẩm định di sản công nghiệp để xây dựng mô hình tái thiết di sản phù hợp.
Tuy nhiên những công trình công nghiệp đó lại không thuộc sự quản lý của những cơ quan chuyên về văn hóa, nên việc cải tạo thành không gian sáng tạo sẽ là một điều khó khăn. Vậy theo bà, để giải quyết vấn đề đó chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?
- Đương nhiên, công việc này một mình ngành văn hóa không thể làm nổi. Chính quyền thành phố Hà Nội phải là cơ quan điều phối, liên kết sự tham gia của các Sở, ngành, đơn vị liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc... Việc 2 di sản công nghiệp Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được sử dụng để chuyển hóa công năng là những ví dụ thuyết phục về sự bắt tay thành công giữa các Sở, ngành.
Để làm được việc này, rất cần một tầm nhìn xa rộng của chính quyền thành phố, sự tư vấn chuẩn xác của các cơ quan chuyên môn, sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức thực thi. Có như vậy Hà Nội mới trở thành một thành phố không chỉ hiện đại, văn minh, mà còn thể hiện bề sâu văn hiến, bề dày văn hóa, có bản sắc và sự hấp dẫn riêng, đồng thời khắc phục được những nhà máy cũ nhiều khói bụi, ô nhiễm môi trường tọa lạc trong trung tâm thành phố.
Theo bà, cần định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản công nghiệp như thế nào để tạo ra các không gian sáng tạo cho Hà Nội?
Hà Nội cần xem các di sản công nghiệp cũng là một loại di sản văn hóa và là một trong những nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp và lên phương án đánh giá, phân loại các loại di sản công nghiệp, từ đó có cơ sở để xây dựng phương án bảo tồn cũng như tái sử dụng.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII, Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề cao mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Với những mục tiêu đã đặt ra, việc hoàn thiện phương án bảo tồn, tái thiết, thích nghi tái sử dụng những di sản công nghiệp cũ theo hướng bền vững, sáng tạo sẽ góp phần quan trọng trong việc nhận diện thương hiệu thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Muốn vậy, Hà Nội cần xem các di sản công nghiệp cũng là một loại di sản văn hóa và là một trong những nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp và lên phương án đánh giá, phân loại các loại di sản công nghiệp, từ đó có cơ sở để xây dựng phương án bảo tồn cũng như tái sử dụng.
Dù mở rộng không gian sáng tạo nào cũng cần phải duy trì và bảo vệ các không gian đó. Không nên để các mô hình kinh do-anh xâm lấn không gian văn hóa sáng tạo giống như khu vực hồ Hoàn Kiếm những ngày cuối tuần được tận dụng để mở các gian hàng hội chợ. Ý kiến của bà như thế nào?
- Hiện nay ở Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật và một số không gian sáng tạo khác. Tuy nhiên, nhiều khi vì mô hình kinh doanh chưa phù hợp, không có nguồn vốn ổn định, kế hoạch kinh doanh chưa khả thi, nên tuổi đời của các không gian sáng tạo khá ngắn, không ít không gian sáng tạo hoạt động như các start-up (khởi nghiệp) và sớm phá sản.
Để gìn giữ, phát huy tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của không gian sáng tạo, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện. Trước hết, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Đó không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí, tạo thu nhập và việc làm, mà còn góp phần phát triển văn hóa, nghệ thuật, nuôi dưỡng/kích thích các tài năng sáng tạo, tạo nên bản sắc văn hóa của thành phố, tăng sức hấp dẫn của Thủ đô. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo. Đồng thời huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo, bởi hiện đa phần các không gian sáng tạo ở Hà Nội là dựa trên sáng kiến, tâm huyết của các cá nhân, khi không đủ sức trụ vững sẽ giải tán như một thử nghiệm. Do vậy, chính quyền thành phố cần có cơ chế hỗ trợ trong vay vốn, huy động tín dụng, có các quỹ hỗ trợ sáng tạo, hoặc chính sách ưu đãi có sức hấp dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp cấp vốn cho các mô hình này. Cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sáng tạo và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề liên quan.
Trân trọng cảm ơn bà!