Xã hội

Giảng viên nhiều trường đại học được đào tạo về vi mạch điện tử

TRUNG HẬU 20/11/2023 13:03

Hoạt động được tổ chức nhằm hưởng ứng quá trình triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 của TP HCM

Ngày 20/11, Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (ESC) và Khu Công nghệ cao TP HCM phối hợp các đối tác khai giảng khóa đào tạo cho giảng viên đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP HCM và một số tỉnh phía Nam kiến thức về sử dụng các công cụ, giải pháp thiết kế vi mạch.

W_khoahoc.jpg
Các giảng viên tại các khoa ngành đào tạo về công nghệ cao tham gia khóa đào tạo về vi mạch điện tử tại TP HCM dành cho giảng viên ĐH, CĐ.

Hoạt động được tổ chức nhằm hưởng ứng quá trình triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 của TP HCM, đồng thời dịp này cũng để tri ân đến đội ngũ nhà giáo và những người công tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của thành phố nhân dịp ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tham dự khóa đào tạo đặc biệt này có 30 giảng viên tiêu biểu từ các trường ĐH, CĐ và cơ sở đào tạo, gồm: Đại học Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Sài Gòn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ TP HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên cùng đội ngũ giảng viên, cộng tác viên của Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM.

Tại chương trình, GS.TS Đặng Lương Mô, cố vấn cao cấp Đại học Quốc gia TP HCM, nhà khoa học tiên phong trong phát triển ngành công nghệ vi mạch Việt Nam chia sẻ, việc lần đầu tiên tổ chức khóa học kiến thức công nghệ cao, cụ thể là trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại TPHCM sẽ mở ra nhiều cơ hội để phổ biến kiến thức ra toàn xã hội. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng các giảng viên tham gia khóa đào tạo lần này quan tâm hơn đến việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng AI trong thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn.

Khóa đào tạo về thiết kế vi mạch cho giảng viên các trường CĐ, ĐH và cơ sở giáo dục diễn ra trong 3 tuần, từ ngày 20/11 đến ngày 08/12 tại TP Thủ Đức (TP HCM) sẽ giúp đội ngũ giảng viên được trải nghiệm kiến thức cũng như thực hành trực tiếp trên các máy tính sử dụng công cụ, giải pháp phần mềm thiết kế vi mạch.

Ngoài ra, giảng viên các trường cũng được thực hành các công cụ, giải pháp liên quan đến tự động hóa thiết kế lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

W_pgs-thi.jpg
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM phát biểu tại lễ khai giảng khóa học cho giảng viên ĐH, CĐ.

Phát biểu tại lễ khai giảng khóa học, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM khẳng định, việc thực hiện khóa đào tạo này là hết sức kịp thời, góp phần nâng cao năng lực đào tạo cho các trường, phục vụ mục tiêu mở rộng và mở mới các ngành về vi mạch bán dẫn của các trường, đặc biệt trong mảng thiết kế vi mạch tương tự (Analog design) vốn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực rất lớn ở TP HCM và một số địa phương ở nước ta hiện nay.

Theo Ban Tổ chức khóa đào tạo, khi hoàn thành chương trình đào tạo, các các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho các bạn sinh viên tại cơ sở giáo dục của mình.

Đây là kỳ vọng lớn nhất trong mục tiêu của Ban Tổ chức nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao của Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai.

TRUNG HẬU