Vượt sông tìm chữ
Từ bao đời nay, những đứa trẻ ở thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) muốn có được con chữ phải vượt qua sông Mã bằng bè mảng và thuyền, tiềm ẩn những hiểm nguy không thể lường trước.
Từ bao đời nay, những đứa trẻ ở thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) muốn có được con chữ phải vượt qua sông Mã bằng bè mảng và thuyền, tiềm ẩn những hiểm nguy không thể lường trước.
Giữa tháng 11, chúng tôi ngược gần 100 km từ TP Thanh Hóa lên huyện miền núi Bá Thước rồi đi thuyền qua sông, hướng về ngôi làng Chòm Mốt. Khi màn sương tan dần, mặt trời đứng bóng, chiếc thuyền của anh Đỗ Văn Giáp (50 tuổi) dần lộ ra, tất tả đưa học sinh, người dân qua sông. Do nằm cách trung tâm xã gần 3km, lại bị dòng sông Mã 'chắn ngang' nên người dân thôn Chòm Mốt muốn ra bên ngoài phải đi bằng thuyền và bè mảng.
Ông Đỗ Văn Giáp, người lái đò cho biết: Từ bao đời nay, việc đi lại, giao thông với bên ngoài của người dân Chòm Mốt có 3 cách, một là đi thuyền vượt sông Mã, hai là đi qua núi đá vôi dựng đứng dẫn sang xã Điền Lư, huyện Bá Thước và ba là đi qua con đường đất lầy lội, trũng thấp, thường xuyên ngập nước và bùn dài hơn 3 km dẫn sang xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy.
Trong hồi ức của mình, anh Giáp nhớ nhất là vào năm 2017, khi các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đột ngột xả lũ khiến mực nước dâng cao, suýt nữa nhấn chìm chuyến đò chở hàng chục cháu học sinh đến trường.
"Đó là một ngày trời mưa không quá to nhưng nước lại chảy xiết. Tôi đã định cắt đò nhưng trước yêu cầu của mọi người nên vẫn đánh liều chở nốt chuyến cuối. Khi con đò gần về tới bờ thì một dòng nước ào ào như thác đổ, lao tới rất nhanh. Bằng hết sức bình sinh, tôi cố khua mái chèo để con thuyền vào bờ trước khi tất cả bị cuốn phăng đi”, anh Giáp nhớ lại.
Hay như một lần khác, vào lúc 1h sáng, khi anh đang nằm ngủ thì bất chơt nhận được cuộc cầu cứu của chồng một sản phụ trở dạ, cần đưa đi cấp cứu gấp. Dù đang ngủ say giấc nhưng khi nghe máy đổ chuông, anh biết có người cần mình nên vẫn cố dậy, chèo đò giữa đêm. “Kỷ niệm thì nhiều vô cùng, nhưng đa phần đều là những chuyện vui. 20 năm làm nghề, tôi thấy hạnh phúc nhất khi thực hiện những chuyến đò an toàn, mọi người đi đến nơi, về đến chốn”, anh Giáp nói.
Đò cập bến, chia tay anh Giáp, tôi đi một vòng quanh thôn để thấy rõ hơn cuộc sống của con người nơi đây. Sự tiêu điều là cảm giác đầu tiên mà tôi cảm nhận khi thấy những gian nhà nhuốm màu đất, các mái ngói bạc phếch theo thời gian, rêu phong bám đầy tường, vôi, vữa rơi khắp nền nhà. Những con đường cũng vậy, tuy đã được bê tông nhưng lởm chởm ổ voi, ổ gà, nhiều đoạn xuống cấp đến mức bị đứt lìa, vỡ nát.
Ông Bùi Văn Điệp - Trưởng thôn Chòm Mốt cho biết: Hiện nay, thôn đang trong diện đặc biệt khó khăn của huyện với 135 hộ, 616 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. “Hiện trong thôn có tới 56 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo, cả thôn sống dựa vào 15,5 ha đất trồng lúa, 17,5 ha trồng ngô, 19 ha trồng tre, luồng… Ngoài ra, bà con có nuôi thêm gà, ngan, vịt, lợn… nhưng chủ yếu là để tự phục vụ chứ không bán được vì việc đi lại rất khó khăn”, ông Điệp nói.
Bất cập không chỉ đến từ giao thương mà xảy ra trong lĩnh vực y tế, học tập và xây dựng. Khi các hộ dân ở Chòm Mốt muốn xây, sửa nhà, họ phải đợi trời nắng ráo, đổ đá dăm thì các xe công nông mới chở vật liệu trên con đường đất nối từ huyện Cẩm Thủy qua được, dẫn tới cước vận chuyển tăng.
Theo ông Bùi Văn Điệp, hiện tại, ở thôn Chòm Mốt có khoảng 40 em học sinh lớp 4 - 5, 25 em học sinh cấp THCS, 15 em học sinh THPT. Hằng ngày, các em vẫn đang phải vượt sông để đến trường. Khi thủy điện xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết, khi mưa bão là gần như các em buộc phải nghỉ học.
Đầu giờ chiều, khi nghe tiếng gọi í ới của lũ trẻ, anh Bùi Văn Giáp bước ra khỏi con thuyền cũ kỹ, thả neo rồi tất tả đưa hàng chục học sinh qua sông. Thấy thuyền nổ máy, mấy đứa trẻ nhao nhao, cố tranh giành chỗ đứng trong khoảng không gian chật chội. Sau khi các cháu cùng mấy chiếc xe đạp ổn định chỗ đứng, chiếc thuyền dài khoảng 10 m, rộng 2 m bắt đầu dịch chuyển, tiến về phía bên kia bờ sông.
Khi thuyền còn đang trôi giữa dòng, anh Giáp ngoảnh lại và thấy hàng chục học sinh đã bắt đầu 'tập kết' để chờ chuyến kế tiếp. Chẳng kịp nghỉ ngơi, anh vội quay đầu khi các cháu đã lên bờ an toàn. Cứ như vậy, tuần tự trong vòng 30 phút, đã có 3 lượt thuyền đưa hơn 40 cháu học sinh qua sông.
Khi đồng hồ điểm 2h chiều, các trường đã bắt đầu đánh trống vào lớp thì vẫn có một số học sinh hớt hải chạy ra bến thuyền. Cháu Bùi Thị Loan (học sinh lớp 6, Trường THCS Lương Trung) cho biết: Ở thôn Chòm Mốt hiện có 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học nhưng chỉ dạy đến hết lớp 3. Khi vào lớp 4, các cháu bắt buộc phải vượt sông để sang bên kia bờ, tiếp tục công việc học tập của mình.
"Lúc mới đi thuyền qua sông thì bố mẹ cũng lo nên thường đi cùng để đảm bảo an toàn. Sau đó, khi đã dần quen, các bạn trong thôn chúng cháu thường đi chung với nhau để sang bên kia đi học. Ngày trước, thấy nước chảy xiết cháu cũng sợ lắm, nhưng đi nhiều cũng thành quen dần. Hiện tại, chúng cháu chỉ lo nhất là khi nước dâng cao, thuyền ngừng hoạt động thì sẽ phải ở nhà, lỡ dở việc tiếp thu kiến thức. Cháu mong sao, sau này sẽ có cây cầu để việc đi lại dễ dàng hơn, mọi người không phải đi thuyền qua sông khó khăn như thế này nữa”, Loan nói.
Thầy Cao Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Trung cho biết: Hiện nhà trường có hàng chục em học sinh ở Chòm Mốt theo học. Đều đặn hàng ngày, các em phải đi đò vượt sông để đến điểm trường. Cứ vào mùa mưa bão, nước sông Mã dâng cao, các em không thể đi học, có đợt phải nghỉ cả tuần.
"Dù chỉ cách trường gần 3 cây số nhưng từ sáng sớm tinh mơ, các em đã phải dậy sớm, đi ra bờ sông để 'bắt thuyền' đi học. Vì khó khăn trong đi lại nên việc tiếp thu kiến thức của các em bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong các hoạt động phong trào cũng vậy, học sinh trong thôn thường xuyên không thể tham gia đầy đủ và đều đặn, điều đó là rất thiệt thòi cho các em", thầy Cường chia sẻ.
Theo thống kê, ở Chòm Mốt hiện nay đa phần chỉ còn người già, trẻ em và một số lao động bám địa bàn làm nông nghiệp, canh tác trên đất rừng sản xuất. Vốn đã biệt lập với bên ngoài, nay lại thưa thớt người càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm vắng lặng.
Là người bản địa nên ông Trương Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND xã Lương Trung vẫn nhớ như in 2 trận lụt lịch sử vào năm 2007 và 2017, khi người dân Chòm Mốt bị cô lập trong hàng chục ngày. Dù muốn đưa lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho người dân nhưng do nước dâng quá cao, lại không có canô chuyên dụng nên địa phương cũng đành 'bó tay'.
Theo Chủ tịch UBND xã Lương Trung, cho đến hiện tại, dù đã được Nhà nước hỗ trợ, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đời sống của bà con ở Chòm Mốt vẫn chưa được cải thiện nhiều.
"Bà con ở đây rất vất vả, đi ra đường lớn xa xôi, cách trở nên việc kết nối với bên ngoài gần như phụ thuộc vào thuyền bè. Đáng lo
nhất là các cháu học sinh, khi ngày ngày phải vượt sông rất nguy hiểm. Nhiều lần, tôi thấy các cháu nô đùa con thuyền chật chội, bên dưới là dòng nước sâu nên lo lắm. Nhưng rồi, cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nhắc nhở chủ đò đảm bảo an toàn, mặc áo phao cho các cháu đầy đủ", ông Thụ nói.
Trong nhiều năm trở lại đây, người dân, chính quyền xã Lương Trung đã liên tục kiến nghị lên cấp trên, đề xuất nguyện vọng muốn được xây cầu bắc qua sông Mã. Trong tháng 11/2023 vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên tiếp xúc cử tri, chính quyền cũng tiếp tục kiến nghị nhưng vẫn chưa có phương án cụ thể vì câu chuyện thiếu kinh phí.
"Cuối năm nay, chúng tôi xin được huyện hỗ trợ để mua một con thuyền mới, to hơn, dài hơn chiếc cũ. Còn việc xây cầu, huyện cũng trả lời là đã đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, tuy nhiên, để mà triển khai thì cũng chưa biết đến bao giờ”, ông Thụ nói.