Xã hội

Nhà báo Dương Trọng Dật và hành trình 'người lái đò' không ngừng nghỉ

Trung Kiên - Thy Thêu 20/11/2023 15:51

Ngoài sự nghiệp làm báo, nhà báo Dương Trọng Dật còn được biết đến với vai trò người thầy mở đường cho ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông ở nước ta. Dù ở vai trò nào, người ta cũng thấy ở ông một tinh thần làm việc không ngừng nghỉ và luôn cháy hết mình với đam mê của cuộc đời.

anh-2-1-.jpg
Nhà báo, nhà giáo Dương Trọng Dật. ẢNH: T.Thêu.

Ở tuổi xế chiều, khi công danh sự nghiệp đã thành, nhiều người thường chọn cách lui về ở ẩn để an nghỉ tuổi già, thế nhưng với nhà báo Dương Trọng Dật luôn giữ quan điểm sống, còn sức khỏe là sẽ còn cống hiến.

Công việc là niềm vui

Ở tuổi ngoài 70, nhà báo Dương Trọng Dật vẫn giữ trọng trách là Viện trưởng Viện đào tạo Văn hóa nghệ thuật và Truyền thông của Đại học Văn Lang tại TPHCM. Phụ trách nhóm ngành Quan hệ công chúng (PR) - Truyền thông – Xã hội nhân văn và nghệ thuật ứng dụng. Với những cống hiến đó, thầy Dương Trọng Dật một lần nữa cho thấy tâm huyết và trách nhiệm của mình đối với thế hệ trẻ, tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau với tất cả kiến thức và kinh nghiệm quý báu, được đúc kết bằng cả cuộc đời làm báo, làm văn của mình.

Trả lời câu hỏi: Động lực nào khiến thầy làm việc liên tục không ngừng nghỉ? – nhà báo Dương Trọng Dật cho biết: “Tôi không quen nghỉ ngơi vì nó đã ngấm vào máu thịt. Công việc chính là niềm vui, là sự sáng tạo. Hơn nữa, bản thân xuất thân từ giáo dục nên rất hiểu và yêu giáo dục. Và cái quan trọng nhất là rất yêu thế hệ trẻ”.

Thời còn đương nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhà báo Dương Trọng Dật may mắn được đi nhiều nước, học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm báo. Trong mỗi dịp đi công tác ở nước ngoài, ông luôn tìm hiểu và được biết ở các nước phát triển họ rất coi trọng về nghề PR mà ở Việt Nam chưa có.

Nhắc đến giai đoạn đầu tiên phong mở đường cho một ngành học mới, ông không khỏi hồi bồi khi nhớ lại kỷ niệm những năm 2006: “Giai đoạn đầu khi làm đề án phải lý giải, thuyết phục cho mọi người hiểu. Ngay cả hiệu trưởng nhiều trường họ cũng chưa hiểu hết về khái niệm PR, tôi lại giải mã để họ hiểu được tầm quan trọng của PR trong thời công nghệ số.”

Khi đã thuyết phục được các trường đại học, một vấn đề mà cũng gặp khó khăn đó chính là giảng viên giảng dạy. Thời điểm đó ở các trường đào tạo báo chí chưa có giảng viên đào tạo PR. Bằng mối quan hệ của mình và xây dựng một đội ngũ nhân sự chất lượng, thầy đã đi gặp từng người thuyết phục họ đứng lớp. Đa phần giảng viên của trường lúc đó là các nhà báo như: ông Lê Quang Trang, bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, ông Trần Quốc Khương... Các trưởng ban tổ chức sự kiện ở các báo, các chuyên gia truyền thông của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn…

“Bây giờ khi nhắc tới ngành PR có thể nói Đại học Văn Lang đứng đầu bảng. Sinh viên Văn Lang ra trường gần như 100% là có việc làm, làm đúng nghề và cũng được các doanh nghiệp tín nhiệm” – ông nói với vẻ tự hào khi nhắc đến các thế hệ học trò của mình.

Là một người “đa năng”

Là người năng động nên triết lý sống của ông là đi đến đâu mở đến đó. Thậm chí là làm những cái người khác chưa dám liều, liều thân nhảy vào lĩnh vực người khác chưa dám mở.

Lúc đất nước chiến tranh, đi B, chính khoảng thời gian này đã tôi luyện nên một Dương Trọng Dật “đa năng” và mạnh mẽ. Kể lại câu chuyện ngày kết nạp Đảng, trong phần sơ yếu lý lịch có mục sở trường, ông tự nhận mình là người “đa năng” bởi cái gì cũng biết làm. Từ anh tiếp phẩm, thủ kho, kế toán cho đến làm quản lý...

“Mục tiêu là trở thành người “đa năng” chính vì vậy mà thầy đã quyết tâm đưa mục tiêu vào để đào tạo sinh viên của mình thành những người như vậy, cái gì cũng biết làm, và cái gì cũng phải làm được” – nhà báo Dương Trọng Dật chia sẻ.

Là một người có tư duy mở, ông luôn đưa ra những góc nhìn mới cho sinh viên. “Cái quan trọng không phải chỉ dạy kiến thức mà cái quan trọng là truyền lửa cho sinh viên và làm cho các em sinh viên say sưa hơn. Để các em thấm được những đam mê. Học kiến thức chỉ là bước đệm đầu tiên cho các em đến với những tri thức khác lớn hơn. Quan trọng truyền được ngọn lửa khát khao với nghề. Vì tiềm năng của các em là rất lớn và mình phải định hướng cho đúng” – ông nói.

Hơn 40 năm làm báo và gần 20 năm ở cương vị người thầy, ở tuổi xế chiều nhà báo Dương Trọng Dật chọn cho mình con đường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp báo chí, truyền thông. Ông trải lòng, cuộc đời mình may mắn vì vừa được làm nhà báo và vừa được làm nhà giáo. Hàng năm cứ đến ngày 20/11, nhận được lẵng hoa của các học trò gửi về đều cảm thấy rất trân quý. Theo ông, tất cả mọi thứ tiền thưởng hay vinh danh cũng không quý bằng tình cảm mà học trò dành cho mình. Đó cũng chính là thứ giúp ông vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực cống hiến và làm việc không ngừng nghỉ.

Trung Kiên - Thy Thêu