Trọn nghĩa vẹn tình trong âm nhạc
Nói về nghĩa tình thầy trò thì lĩnh vực nào cũng luôn là một thứ tình cảm đặc biệt và mỗi nghề nghiệp sẽ có những cách tri ân riêng. Cách tri ân của người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đương nhiên là sử dụng lợi thế của mình. Vừa qua, tôi được sống trong hai sự kiện âm nhạc đều sâu sắc nghĩa tình thầy trò.
Từ ca hát dân gian…
Bản thân tôi vừa trải qua niềm vui trở lại Ninh Bình tham gia Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2023 với tư cách thành viên hội đồng nghệ thuật. Đặc biệt, Ninh Bình là quê hương của một người thầy dân gian của chính tôi, người có vị trí như động lực giữ tôi lại với hát xẩm, hối thúc tôi phải góp sức thúc đẩy sự phát triển của hát xẩm, đó chính là cố nghệ nhân, “thần xẩm” Hà Thị Cầu. Và điều đáng nói, lần trở về này lại trong đúng tháng 11 có ngày 20/11, ngày hết sức đặc biệt để các thế hệ học trò tỏ bày lòng biết ơn, tri ân những người thầy của mình.
Khác với những liên hoan âm nhạc thông thường, khác với ngay cả chính các liên hoan, hội diễn, hội thi liên quan đến âm nhạc cổ truyền của dân tộc, đây là lần tổ chức thứ 3 của liên hoan và lần nào cũng vậy, toàn thể các đoàn cũng như hội đồng nghệ thuật đều trở về thành phố Ninh Bình từ rất sớm. Sau đó, Ban tổ chức sẽ bố trí để toàn bộ liên hoan tới thắp hương tri ân cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, ở huyện cách đó khoảng hơn 20 km. Tất cả những người hát xẩm đều mặc nhiên coi nghệ nhân Hà Thị Cầu là thầy. Cho nên việc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh khi xây dựng các hoạt động nằm trong khuôn khổ liên hoan, ngay từ ngày đầu, bên cạnh trình diễn tiếng đàn, lời ca thì hoạt động tri ân cố nghệ nhân hàng đầu này cũng là một hoạt động mang tính nghi lễ và chính thức của liên hoan. Việc tổ chức một Liên hoan hát xẩm ở chính quê hương Ninh Bình cũng là một trong những tri ân mà tỉnh Ninh Bình nói chung, cộng đồng những người gắn bó với hát xẩm dành cho bậc tiền bối kỳ tài của nghệ thuật ca hát đặc sắc này.
Có một điều đáng nói, từ nhiều chục năm qua hát xẩm rơi vào tình trạng đáng báo động. Ngay cả khi cố nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời này, hát xẩm đã có nguy cơ thất truyền vì người nghệ nhân tài ba tuổi ngày một cao, sức khỏe luôn ở tình trạng không ổn định, trong khi thế hệ kế cận thì chưa có. Nhiều lần ghé về thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu, chúng tôi hiểu rằng mong mỏi lớn của thầy là thấy hát xẩm được hồi sinh, có nhiều người tham gia hát xẩm và có nhiều khán giả thích nghe hát xẩm. Chính vì thế nỗ lực tổ chức một liên hoan của những học trò gắn với hát xẩm với nghệ nhân Hà Thị Cầu ở giai đoạn những năm đầu thiên niên kỷ mới là Mai Tuyết Hoa, NSND Thanh Ngoan và tôi luôn không ngừng nghỉ, chỉ là để thỏa nguyện ước của bậc nghệ nhân tài ba, cũng chính là người thầy của mình. Nỗ lực ấy được hiện thực hóa khi bắt gặp sự đồng điệu về chủ trương và quyết tâm vực dạy hát xẩm của Ninh Bình, một trong những cái nôi của hát xẩm.
Giờ đây cộng đồng hát xẩm đã khá hơn xưa, như Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2023 lần này có tới gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên thuộc 20 câu lạc bộ đến từ 10 tỉnh thành cả nước tham dự như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Đó là còn chưa kể một lực lượng tương đối người hát xẩm, câu lạc bộ, nhóm xẩm không có mặt ở liên hoan do khuôn khổ của liên hoan không đáp ứng được đầy đủ 100% số lượng nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, câu lạc bộ có thể góp mặt.
Tất nhiên, những gì thể hiện ở liên hoan chỉ là bề nổi, thể hiện những thành quả đã đạt được của cả một hành trình kéo dài nhiều năm tỉnh Ninh Bình và những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tài năng, uy tín nỗ lực dành cho hát xẩm. Để có được sự lan tỏa ra toàn tỉnh cũng như ngày một nhiều các địa phương tham gia là một quá trình bền bỉ của các hoạt động liên tiếp. Trong đó có việc một số hạt nhân nòng cốt không quản ngại thời gian, khoảng cách địa lý… miệt mài lan tỏa xẩm tới tất cả những nơi có thể. Những đội ngũ hạt nhân trực tiếp của hát xẩm chưa nhiều, nhưng tình yêu của họ dành cho hát xẩm lại rất lớn. Và việc họ không ngừng nỗ lực cho xẩm cũng là cách để họ tri ân với người thầy tài ba đã trở về với tổ nghề của mình.
…đến âm nhạc hàn lâm
Vừa dứt Liên hoan hát xẩm Ninh Bình 2023 vào buổi sáng (6/11), không kịp ở lại dự tiệc chiêu đãi mừng thành công và chia tay liên hoan của tỉnh Ninh Bình tổ chức, tôi vội vã trở về Hà Nội để buổi chiều cùng ngày để tham dự một sự kiện quan trọng với các thầy cô khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đó là giới thiệu với báo giới về chương trình âm nhạc mang tên Mùa thu vàng được tổ chức tại Phòng hòa nhạc lớn của Học viện vào ngày 17/11.
Trên thực tế thì việc tổ chức chương trình nghệ thuật vào đúng dịp 20/11 như thế này là chủ ý của thầy cô khoa Thanh nhạc. Chương trình là dịp để các thế hệ thầy trò trong khoa mang lời ca, tiếng hát tri ân với những người thầy của mình, tri ân giữa chính các nghệ sĩ cùng tham gia trong đêm diễn, tri ân với khán giả đã yêu mến và đồng hành nhiều năm qua. Ở buổi giới thiệu chương trình này, tôi tham gia với tư cách người dẫn dắt và đặc biệt chú ý tới thông tin ban tổ chức đã nhắc đến về nhân sự tham gia trong chương trình. Đại ý rằng chương trình có sự tham gia của những người thầy và trò của mình, nhưng những người trò ấy giờ đây cũng lại chính là người thầy, tiếp bước thế hệ cha trở thành những người thầy nối tiếp truyền thống đào tạo đầy tự hào của khoa. Cụ thể, tham gia chương trình có NSND Quang Thọ và nghệ sĩ Phúc Tiệp - một người học trò của mình năm xưa, nay là giảng viên trong khoa; có nữ ca sĩ Lan Anh và người học trò của mình năm xưa nay là ca sĩ Tân Nhàn (Tiến sĩ - Phó trưởng Khoa Thanh nhạc); và khi ở vai trò giảng viên, Tân Nhàn lại có người học trò của mình là nữ ca sĩ Hương Ly, một giảng viên trẻ của khoa… Cũng trong chương trình, ca sĩ Phương Nga (Tiến sĩ - Phó trưởng Khoa Thanh nhạc) rưng rưng xúc động khi nhắc tới người thầy đã đi xa của mình: GS.TS.NSND Trung Kiên. Tại sự kiện này, TS.NSND Quốc Hưng chia sẻ thêm rằng, NSND Trung Kiên cũng chính là “người thầy của tất cả chúng tôi”, điều này lý giải vì sao Phương Nga lại xúc động đến vậy khi nhắc đến cố nghệ sĩ.
Cái sự đặc biệt, giống như kiểu “cây phả hệ” trong mối quan hệ dòng tộc xuất hiện cũng làm cho không khí buổi gặp gỡ báo chí thêm phần sôi nổi và cũng ngập tràn xúc động. Tuy nhiên, thành tố chính của đêm nhạc phải là chất lượng nghệ thuật. Tôi tin, các giảng viên, nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu của chương trình này thể hiện hết tài năng của mình cống hiến cho khán giả. Đó chính là lời tri ân đáng giá nhất của chính những người thầy dành cho những người thầy đã khuất bóng, và cả những người thầy còn đang hiện hữu của mình. Cho nên chương trình sẽ rất đặc biệt.
Ra về sau buổi gặp gỡ báo chí, tôi nhớ đến chi tiết về lời chia sẻ và dặn dò của NSND Quang Thọ: “Khi còn là một cậu sinh viên, được hát chung với các thầy cô là một niềm tự hào và xúc động lớn lao. Sau này, trở thành một người thầy, đứng chung sân khấu với học trò của mình, tôi lại thấy hạnh phúc vì đã góp phần đào tạo ra những thế hệ kế cận tài năng. Đây cũng là minh chứng cho bề dày truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”. Và với người học trò cũ của NSND Quang Thọ, nghệ sĩ - thầy giáo Phúc Tiệp, anh luôn nhớ câu nói của thầy Quang Thọ: “Trước khi làm một người thầy giỏi thì chúng ta phải là những người thợ giỏi”. Câu nói ấy như hành trang Phúc Tiệp giữ theo suốt cuộc đời gắn liền với âm nhạc của mình. Anh chia sẻ: “Việc các thầy cô thường xuyên tham gia biểu diễn không chỉ truyền cảm hứng cho sinh viên mà còn để các em có cơ hội chứng kiến, học hỏi từ đó có sự định hướng cụ thể hơn về nghề nghiệp trong tương lai”.
Như vậy, đối với những người làm nghệ thuật âm nhạc, không chỉ âm nhạc hàn lâm mà cả âm nhạc dân gian, tình thầy trò luôn hiện hữu và ở vị trí đặc biệt trang trọng trong lòng mỗi người. Thể hiện sự tri ân với những người thầy của mình không chỉ bằng lời chúc mừng mà bằng chính những nỗ lực đóng góp cụ thể, chính tài năng, sự cống hiến cho khán giả và truyền lửa cho những thế hệ sau.