Văn hóa

Phim Việt và cuộc đua cuối năm

Minh Quân 20/11/2023 16:14

Thông tin từ Box Office Vietnam (đơn vị phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam), dịp cuối năm sẽ có nhiều bộ phim Việt Nam tham gia vào “cuộc đua” doanh thu phòng vé.

anh-1-bai-tren.jpg
Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: ĐLPCC.

Có thể kể đến bộ phim “Chiếm đoạt” quy tụ dàn diễn viên trẻ, “ăn khách” hiện nay như Miu Lê, Phương Anh Đào, Phương Thanh, Lương Thùy Linh, Trọng Hải… Phim dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 24/11 tới đây. Trong tháng 12, bộ phim “Kẻ ăn hồn” của đạo diễn Trần Hữu Tấn được chuyển thể từ tiểu thuyết của Thảo Trang cũng sẽ chính thức ra rạp. Phim có sự tham gia của các diễn viên Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, NSƯT Chiều Xuân… Cùng thời điểm là bộ phim “Người mặt trời” khai thác câu chuyện xoay quanh cuộc chiến giữa người mà chủng tộc ma cà rồng cũng sẽ công chiếu từ ngày 8/12. Phim có sự tham gia của các diễn viên Chi Pu, Trần Ngọc Vàng, Thuận Nguyễn, Trịnh Thảo… “Chốt số” cho điện ảnh Việt Nam trong năm 2023 là phim “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu” thuộc thể loại hài hước, quy tụ dàn diễn viên như Diệu Nhi, Khả Như, Thúy Ngân, Kiều Minh Tuấn, Trần Ngọc Vàng, Xuân Nghi…

anh-2-bai-tren.jpg
Cảnh trong phim “Người mặt trời”. Ảnh: ĐLPCC.

Có thể nói, sau một thời gian “nhường đất” cho các sản phẩm điện ảnh nước ngoài, thời điểm cuối năm là dịp các đoàn làm phim Việt Nam “bung sức”. Đặc biệt, với 5 tác phẩm cán mốc doanh thu “trăm tỷ đồng”, thị trường phim Việt năm 2023 đã cho thấy những dấu hiệu khởi sắc và là động lực cho nhiều nhà sản xuất. Sự đầu tư hoành tráng, công phu cho các yếu tố thị giác, thính giác là cách làm hiệu quả lôi kéo khán giả giữa thời điểm người xem có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Tuy nhiên, việc thành bại của phim Việt vẫn luôn là một dấu hỏi lớn, bởi những bài học “nhãn tiền” trước đó. Mới đây nhất bộ phim “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng chỉ đạt được doanh thu hơn 200 triệu đồng và chỉ trụ được 2 tuần sau khi công chiếu. Hay các bộ phim “Kẻ ẩn danh”, “Bến phà xác sống” và “Chạm vào hạnh phúc” đều “lẹt đẹt”, suất chiếu ít, bán vé chật vật.

Bên cạnh đó, dù được quảng bá rầm rộ nhưng nội dung của nhiều bộ phim khi ra rạp không đủ hấp dẫn khán giả trẻ - lực lượng chính đến rạp, thậm chí là bị “ném đá” tả tơi trên các nền tảng mạng xã hội. Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ, căn bệnh mãn tính của phim Việt là thiếu chiều sâu nội dung. Những gương mặt làm phim quen thuộc đều khó vượt lên chính mình. Phim Việt Nam với tư duy kiếm tiền chụp giật đã để lỡ thời cơ vàng trở thành một nền công nghiệp bền vững. Giờ chúng ta có tiếc cũng quá trễ. Để lấp khoảng trống doanh thu, hoặc là phải có nhiều phim Việt Nam hơn, hoặc phải tích cực nhập thêm phim từ những nguồn lạ.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nhìn nhận, phim ra đời mà lọt thỏm hay bị lãng quên thì đấy mới là điều đáng buồn. Tuy nhiên, sẽ quá khó cho một tác phẩm điện ảnh nếu phải “mang vác” quá nhiều nhiệm vụ. Làm sao chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, phim vừa lột tả tâm trạng, số phận nhân vật, vừa gắn với nhiều đòi hỏi khác. Điều đó đôi khi quá sức và ngay cả người làm phim cũng không mường tượng hết những tác động vượt xa tầm tư tưởng của tác phẩm. Từ đó tạo dư luận trái chiều và ảnh hưởng trực tiếp đến bộ phim.

Còn theo đạo diễn Victor Vũ, với điện ảnh Việt Nam thật khó để nói về những cụm từ như cạnh tranh hay đối thủ. Các đạo diễn đều muốn làm ra những bộ phim tạo ra giá trị, đề cao vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nên dù thế nào, những bộ phim làm ra với công sức, cái tâm nên được ủng hộ.

“Thay vì nghĩ tới những cụm từ như cạnh tranh, đối thủ, hãy nhìn vào khoảng thời gian này, khi cứ cách 2 tuần lại có một phim Việt ra rạp, với những nhà làm phim như tôi đây là một tín hiệu đáng mừng. Mong rằng khán giả sẽ ủng hộ phim Việt” - ông Vũ nói.

Minh Quân