Giải pháp nào cho những dòng sông “chết”?
Năm 2017, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án cải tạo 4 dòng sông (sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích) với mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi đưa vào hệ thống các hồ. Tuy nhiên, đến nay các dòng sông vẫn ô nhiễm.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) Hà Nội đã bắt tay vào hiện thực hóa các giải pháp để hồi sinh những dòng sông ô nhiễm. Song, thực tế tiến độ triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn.
Đối với các dòng sông trong khu vực nội đô, vấn đề quan trọng nhất của các con sông là không có nguồn cấp nước, nhiều đoạn đã bị lấp. Ví dụ sông Kim Ngưu, bắt đầu từ khu vực Hồ Tây nhưng hiện nay đã bị lấp; khu vực đầu đường Trần Khát Chân dấu tích còn lại là một cống nước thải; hay sông Tô Lịch cũng không có nguồn nước để thau rửa.
Vì thế, Hà Nội cũng đã tính đến việc xây dựng hệ thống cống ngầm đủ dung tích để tiêu thoát nước thải và cả nước mưa vào mùa mưa lũ. Việc lấy nước nguồn từ sông lớn là không thể nên có thể sử dụng các trạm bơm tăng cấp để bơm nước sạch lên đầu sông, hệ thống này sẽ được thực hiện tuần hoàn.
Tại tọa đàm cuối tháng 8/2023, bàn cách làm “sống lại” 4 con sông nội đô là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, nhiều ý kiến đưa ra nhưng vẫn chưa có sự thống nhất. Trong đó có Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022.
Theo PGS.TS Trần Thị Việt Nga - Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), cấu trúc của đô thị Hà Nội được định hình và phát triển không gian dựa trên cấu trúc mặt nước tự nhiên. Trong đó, cấu trúc tự nhiên của các dòng sông trong nội đô đóng vai trò xương sống, cấu thành hình thái cấu trúc cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông đóng vai trò là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng môi trường của Hà Nội chưa đáp ứng kịp thời so với thực tiễn phát triển; nhiều giải pháp về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông nội đô chưa toàn diện và bền vững.
Trong khi đó, theo GS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam, Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” cần tính đến 2 giải pháp công trình và phi công trình; cần nghiên cứu kế thừa, điều tra cập nhật lại hiện trạng sông hồ. Quá trình xử lý ô nhiễm tồn lưu trong sông có nạo vét, nhưng không toàn bộ mà cần lưu giữ các mầm thủy sinh đặc trưng của dòng sông, kết hợp kè sông cùng xây dựng các thảm thực vật hai bên bờ sông.
Còn GS.TS Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi lại cho rằng, để làm sống lại các dòng sông phải có dòng chảy tối thiểu đạt 0,3m3/s mới cho phép xả thải vào, nhưng hiện 4 dòng sông của Hà Nội đều không đạt được tốc độ này. Theo ông Lượng, bổ sung trạm bơm bổ trợ nguồn nước không phù hợp với tốc độ cần thiết lại tốn kém, đập sông Hồng dâng nước cũng không hy vọng cho sông, chỉ có khả năng cung cấp cho nông nghiệp. Nhưng về lâu dài cần tính toán để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng, để hồi sinh những “dòng sông chết” ở Hà Nội cần phải có nguồn lực đủ mạnh.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, những năm qua đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được triển khai bàn giải pháp cải tạo các dòng sông bị ô nhiễm ở Thủ đô nhưng dường như không có kết quả.
"Để hồi sinh những dòng sông này cần một nguồn lực đủ mạnh, trong khi chỉ chờ tiền ngân sách cải tạo thì rất khó, nên cần kêu gọi đầu tư, xã hội hóa. Ngoài ra, cũng nên kêu gọi các nguồn đầu tư khác từ các tổ chức quốc tế cũng như học hỏi kinh nghiệm trong xử lý ô nhiễm môi trường của họ" - ông Doanh nói và cho biết thêm, để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông. Đặc thù ở Hà Nội vào mùa khô các con sông bị cạn nước nên phải đầu tư hệ thống đưa nước từ sông lớn vào những con sông đang bị ô nhiễm để tạo dòng chảy.
Còn theo PGS Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), nên xây dựng hệ thống trạm bơm di động và không còn cách nào khác phải kiểm soát, xử lý được nguồn thải. Lượng nước thải khắp nơi hàng ngày vẫn đổ vào các con sông trong nội đô thì tình trạng ô nhiễm sẽ ngày một nghiêm trọng hơn. “Nguyên tắc xử lý ô nhiễm các dòng sông chết là bắt buộc nước phải qua xử lý mới được đưa ra sông. Về mùa cạn thì phải dùng hệ thống bơm để tạo nguồn, tạo dòng chảy, tránh tình trạng lòng sông bị bồi lắng" - ông Tứ nói.