Bất động sản

Giá nhà còn cao, thị trường còn khó

T.Hằng 20/11/2023 16:25

Thời gian qua, giá nhà giảm rất chậm, thậm chí còn tăng, trong khi lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm khá sâu.

anhbaitren.jpg
Doanh nghiệp bất động sản cần hạ giá sản phẩm để hướng đến nhu cầu thực của người dân. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp cần sòng phẳng hơn

“Doanh nghiệp (DN) BĐS cần thống nhất trong cuộc chơi về giá nhà. Hiện nay, giá nhà rất cao, DN phải cân nhắc mới có thể giải quyết được vấn đề sức mua của thị trường” - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định tại Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra mới đây.

Câu chuyện giá nhà neo cao, thậm chí tăng theo thời gian đã trở thành câu chuyện không muốn bàn, nhưng đặt trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng của DN BĐS hạ nhiệt, BĐS khó khăn, nhiều DN phải giải thể thì rất cần phải xem lại.

Trong một báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội và TPHCM đều tăng. Tại Hà Nội, giá trung bình tăng gần 7% theo quý và tăng 14% theo năm, đạt gần 51 triệu đồng/m2. Trên thị trường thứ cấp, tất cả các quận đều tăng giá bán so với quý trước. Trong đó các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Tây Hồ và Gia Lâm tăng trên 3%. Tương tự, tại TPHCM, giá bán thứ cấp tăng 3% so với quý trước, đạt 45 triệu đồng/m2. Mức tăng chủ yếu nằm ở phân khúc trung và cao cấp, nhất là các dự án cận kề trung tâm như quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Còn giá bán sơ cấp căn hộ tại thành phố đã đạt hơn 60 triệu đồng/m2.

Nguyên nhân tăng giá được chỉ ra là do thiếu nguồn cung trong khi nguồn cầu luôn ở mức cao. Đáng chú ý trong khi nguồn cung BĐS nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá phù hợp vẫn tiếp tục thiếu hụt thì loại hình BĐS nghỉ dưỡng giá trị lớn lại đang hiện hữu trên danh mục hàng tồn kho của hầu hết các “ông lớn” BĐS.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, so với quý I, số lượng dự án đang triển khai xây dựng quý III tăng lên 123.64%. Về lượng giao dịch cũng được cải thiện qua từng quý. Cụ thể, quý III ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần so với quý II, gấp hơn 2 lần so với quý I, tuy nhiên, vẫn chỉ bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch.

Ông Hải cũng chỉ ra thực tế là cơ cấu nguồn cung loại hình sản phẩm BĐS đang mất cân đối, chỉ có 40% là dự án nhà ở, 30% là dự án du lịch nghỉ dưỡng, còn lại là các dự án thuộc loại hình khác. Số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo, phân khúc căn hộ tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục tăng ổn định do nguồn cung vẫn chưa thích ứng kịp với nhu cầu khách hàng, nhà đầu tư. Đồng thời, phần lớn các dự án sắp ra mắt tại Hà Nội và TPHCM đều nằm ở các quận/huyện cách xa trung tâm, quỹ đất vẫn dồi dào. Cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai.

Doanh nghiệp hãy thôi kêu than!

Tại cuộc họp liên bộ bàn về giải pháp tăng tín dụng cho BĐS mới đây, các ngân hàng cũng cho rằng, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, các bộ, ngành và hệ thống ngân hàng, bản thân các DN cũng phải thay đổi.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, các DN cần nhìn lại và thay đổi chính mình, xem đã hoạt động lành mạnh, minh bạch chưa. "VPBank là một trong những ngân hàng cho vay BĐS nhiều nhất thị trường, nhưng đến giờ chính ngân hàng cũng thấy e ngại" - ông Vinh bày tỏ, đồng thời cho rằng, nếu trước đây, các DN BĐS tích lũy được nhiều dự án trong giai đoạn huy động vốn dễ dàng, thì đến thời điểm khó khăn cần phải bán bớt tài sản, phải chấp nhận hòa vốn hoặc chịu lỗ, phải phối hợp với ngân hàng để trả nợ chứ không thể chờ ngân hàng hỗ trợ, gia hạn… "Mỗi DN nắm cùng lúc 30 - 40 dự án mà cứ ngồi giữ, chỉ mong ngân hàng hỗ trợ thì ngân hàng hỗ trợ sao được" - ông Vinh nêu ý kiến.

Về lãi suất, ông Vinh cho rằng lãi suất đã giảm sâu kể cả các khoản vay cũ. Tuy nhiên, lãi suất quyết định bởi thị trường, không thể yêu cầu Chính phủ cho một mức lãi suất ưu đãi được, như vậy là phi thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, DN cần phải giữ uy tín với thị trường, phải cân đối lại để có dòng tiền sản xuất và trả nợ vay và lãi vay. Nếu như DN không có lực thì phải tìm biện pháp liên doanh, liên kết, bán các dự án không khả thi, chỉ tập trung vốn vào dự án nào khả thi nhất. Cùng với đó, DN phải hạ giá sản phẩm thì mới có thể tiêu thụ được. Mấy năm trở lại đây, mỗi năm giá BĐS đều tăng mấy chục %. Thậm chí, DN BĐS còn bán được cả hợp đồng trên giấy. “Vì vậy, nếu rơi vào tình trạng khó khăn về vốn thì DN nên hạ giá để bán bớt đi. Nếu cứ triển khai dự án một cách tràn lan rồi kêu thiếu vốn thì không ai cứu được. Cơ quan quản lý, Nhà nước tạo cơ chế cho DN hoạt động, thực hiện chứ Nhà nước không thể bơm vốn vào khi thấy DN chỉ than khó mà không nỗ lực” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, để thị trường BĐS vượt qua khó khăn, cần tập trung rà soát các phân khúc thị trường, tập trung vào nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Một số chủ đầu tư các dự án BĐS hiện đang có mức giá cao, cần giảm giá hợp lý để người dân tiếp tục đầu tư, điều này cũng giúp DN vượt qua khó khăn.

T.Hằng