“Hồn cốt” của làng
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã vinh danh xã Tân Hóa (huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) là Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Tân Hóa là địa phương duy nhất của Việt Nam được bầu chọn trong danh sách 260 làng du lịch đến từ 60 quốc gia tham dự giải và được UNWTO công nhận. Đây là thông tin được coi là bất ngờ với nhiều người.
Nếu ai từng đến Tân Hóa vào mùa mưa lũ thì đều cảm nhận cuộc sống vất vả của bà con, nhưng cũng thật cảm phục trước cái cách người dân vượt qua nghịch cảnh. Người dân làm nhà phao, nước nổi thì nhà cũng nổi theo. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã đầu tư biến nhà phao thành homestay đón khách.
Trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống hiện đại, giữ được một ngôi làng như Tân Hóa quả là điều khó khăn.
Những năm qua, đô thị hóa mạnh mẽ, hầu hết các ngôi làng đều biến đổi. Người ta nói rằng khi “phố tiến về làng” thì lập tức những ngôi làng lộ rõ sự mong manh. Kiến trúc truyền thống bị dỡ bỏ, thay vào đó người ta xây những ngôi nhà bê tông cốt thép. Nhà càng to cao càng chứng tỏ giàu có, phát đạt. Bộ mặt của làng trở nên “xôi đỗ” với những kiến trúc “đá” nhau.
Thật khó trách người làng đã “bỏ cũ thay mới”, vì nhu cầu cuộc sống ngày một cao. Ngay cả những ngôi làng được cơ quan chức năng tôn vinh là nhà cổ thì cũng không chống chọi được trước sức ép của thời thế. Nhiều người hiện đang sống trong những ngôi nhà kiến trúc truyền thống ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, làng bây giờ khác xưa rồi. Chính quyền yêu cầu phải giữ nhà cổ nhưng nhà cổ lại thiếu tiện nghi, vả lại việc tổ chức du lịch ở làng cũng không thật hiệu quả. Người dân không thu nhập được nhiều.
Cũng chính vì thế mà ở những ngôi làng, kiến trúc mới đã thế chân kiến trúc truyền thống.
Đó là chưa nói đến chuyện cách sống cũng khác. Trong làng đầy đủ các hoạt động kinh doanh buôn bán, các hoạt động giải trí như ở phố. Từ gội đầu, massage cho tới karaoke. Hội làng vì thế cũng không còn là dịp người ta trông đợi, vì ngày nào cũng... vui như tết rồi.
Không thể cố giữ làng như xưa, nhưng quan trọng là làm gì để những ngôi làng hòa nhập vào cuộc sống đương đại nhưng không bị mất chất. Một người, chục người cố gắng giữ “nếp nhà” cũng không lại, mà quan trọng phải là một chủ trương nhất quán, cùng đó là sự hỗ trợ của nhà nước. Chỉ nói đến chuyện trùng tu thôi, người dân sống trong những ngôi nhà cũ xuống cấp cũng không lấy đâu ra tiền. Muốn giữ, phải có sự hỗ trợ.
Đó là từ phía người dân. Nhưng thật đáng tiếc, đôi khi ngay cả cấp có trách nhiệm ở cơ sở cũng góp phần làm biến dạng làng. Rõ nhất là việc đập bỏ cổng làng cũ, xây cổng làng mới trông vừa lòe loẹt lại vừa vô tình. Cổng làng lưu giữ nhiều ký ức. Đó là nơi người ta tiễn chân nhau, là nơi đón người trở về, và cũng là nơi hẹn hò đôi lứa. Đi xa trở về, bước qua cổng làng có cảm giác như được che chở. Nhưng nay, khác rồi. Cái tinh thần ấy không còn nữa.
Tâm sự tại một hội thảo văn hóa tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thốt lên: Xây dựng nông thôn cần phát triển chiều sâu văn hóa, đừng “đồng phục hóa” làng quê. Ông Hoan cũng cho rằng, nông thôn phải là nơi cân bằng cảm xúc. Những con đường làng quanh co “cây chen lá, đá chen hoa”, những tường rào mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ dấu tích một thời, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, làm cho môi trường sống trong lành hơn…
“Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Hiện đại hơn nhưng dường như thô ráp, vô hồn” - ông Hoan nói.
Kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hóa địa phương đứng vững qua những biến động xã hội. Điều đó làm nên “hồn cốt” của làng Việt. Nhưng, nói như ông Hoan thì làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau.
Từ đó, ông Hoan đề xuất cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nếu như đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội, thì làng quê phải được coi là di sản.
Trở lại với việc xã miền núi Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023, cho thấy nếu ứng xử đúng đắn, biết phát huy lợi thế thì việc gìn giữ di sản làng không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”.