Giáo dục

Thăng hạng giáo viên năm 2023: Mở rộng đối tượng xét thăng hạng

Thu Hương 21/11/2023 10:50

Thông tin TP Hà Nội sẽ tổ chức xét tuyển thông qua hồ sơ để thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thay vì thi tuyển như kế hoạch trước đó khiến giáo viên nức lòng. Đồng thời, về đối tượng xét thăng hạng giáo viên năm 2023 cũng được bổ sung thêm giáo viên giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục.

anh-bai-tren(3).jpg
Năm 2023, Hà Nội chuyển từ thi sang xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Ảnh: Bình Nguyên.

Cơ hội để tăng thu nhập cho giáo viên

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc Sở. Theo đó, đối tượng xét thăng hạng giáo viên năm 2023 có lưu ý “mở rộng” hơn so với công văn trước đó là tin vui với nhiều giáo viên.

Cô giáo Cao Hồng Hạnh (giáo viên tiểu học ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ niềm vui mừng vì đối chiếu với quy định mới, cô cũng nằm trong đối tượng đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ xét thăng hạng. “Trước đây, theo quy định chỉ giáo viên cốt cán mới được đưa vào danh sách để xét thăng hạng. Do hoàn cảnh gia đình có con bị khuyết tật trong khi gia đình nội ngoại 2 bên ở xa, tôi khó sắp xếp được thời gian để tham gia nhiều công việc chuyên môn khác ngoài giảng dạy, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng… nên không nằm trong danh sách giáo viên cốt cán dù được đánh giá chuyên môn vững, đạt nhiều giải thưởng giáo viên dạy giỏi của huyện, thành phố” - cô Hạnh chia sẻ.

Đây cũng là tâm tư chung của nhiều giáo viên bởi ở mỗi nhà trường, đội ngũ giáo viên cốt cán rất hạn chế trong khi có nhiều giáo viên khác cũng có năng lực chuyên môn tốt, đạt nhiều thành tích trong công tác, thâm niên giảng dạy lâu năm… Đây là cơ hội để các thầy cô tăng thêm thu nhập, là sự ghi nhận của ngành đối với sự nỗ lực của các thầy cô.

Tuy nhiên, để tránh việc xét thăng hạng tràn lan, không đúng đối tượng, văn bản cũng quy định rõ không phải tất cả các giáo viên đều được xét thăng hạng. Trên cơ sở danh sách giáo viên đã đăng ký thăng hạng theo Văn bản số 1783, Tổ thẩm định hồ sơ có trách nhiệm rà soát danh sách, hồ sơ các trường hợp viên chức giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp hạng III lên hạng II. Không bổ sung thêm người vào danh sách. Các cơ sở giáo dục xây dựng cơ cấu, nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên của đơn vị đảm bảo tỷ lệ khoa học…

Đặc biệt, nếu đề nghị đối với giáo viên (không thuộc các chức danh trên) đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thì phải đảm bảo cơ cấu, nhu cầu và giáo viên phải giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục.

Theo các chuyên gia, đây là quy định hợp lý vì nếu tất cả các giáo viên đủ điều kiện đều nộp hồ sơ để xét thăng hạng, sẽ đẩy cái khó về phía Tổ thẩm định, trong khi cần có tiếng nói từ cơ sở, cụ thể là từ nhà trường trong việc rà soát hồ sơ từ bước gửi tham gia xét thăng hạng. Hơn ai hết, chính nhà trường, ban giám hiệu, hội đồng chuyên môn sẽ là người rõ nhất về nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên của đơn vị mình là bao nhiêu, thay vì theo cơ cấu định sẵn sẽ có trường hợp không phù hợp với thực tế giảng dạy ở trường mình.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, cô giáo K.H.Na (giáo viên mầm non ở Ba Vì, Hà Nội) cho biết, đã có thâm niên 14 năm giảng dạy khối lớp mầm non. Cô có bằng cao đẳng sư phạm mầm non, sau đó phấn đấu học lên đại học đến nay là 9 năm, 11 tháng. Đến năm 2020, cô đã được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng III và có hơn 3 năm giữ hạng này nên theo quy định mới, cô đủ điều kiện làm hồ sơ thăng hạng dù không phải là giáo viên cốt cán.

Điều băn khoăn của cô Na đó là trong đợt này, trường cô có 30/36 giáo viên làm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, tuy nhiên cô và nhiều đồng nghiệp không rõ về điều kiện tiêu chuẩn cụ thể sẽ được xét thăng hạng cũng như chỉ tiêu cho mỗi địa phương, mỗi trường là bao nhiêu giáo viên.

“Chúng tôi chuẩn bị hồ sơ rất vất vả do có nhiều minh chứng cần cung cấp ngoài bằng cấp, chứng chỉ, giấy khen, bằng khen cũng như biên bản nhận xét của tổ chuyên môn, đồng nghiệp… Chúng tôi có mặt ở trường từ 7 giờ sáng, trưa tranh thủ học sinh ngủ để làm hồ sơ, hết giờ lại tiếp tục làm, có hôm kéo dài đến gần 11 giờ đêm mới xong… Vất vả là vậy nhưng không biết hồ sơ của mình có thông qua vòng xét chọn hay không, vì nếu có chỉ tiêu theo từng đơn vị thì chắc chắn trong số 30 hồ sơ của trường chúng tôi gửi lên cấp trên sẽ có nhiều hồ sơ bị loại” - cô Na tâm tư.

Trong khi đó, một giáo viên THPT ở Hà Nội cho biết, dù đủ điều kiện làm hồ sơ xét thăng hạng đợt này nhưng cô từ chối không làm do khi tìm hiểu nếu chuyển từ hạng III lên hạng II sẽ kéo theo nhiều nội dung khác mà cô thấy bản thân chưa thể đảm nhiệm tốt. Đó là giữa nhiệm vụ của giáo viên THPT hạng III và hạng II có nhiều khác biệt, đặc biệt là quy định giáo viên THPT hạng II phải có khả năng tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên. Như vậy, nếu giáo viên THPT hạng II không có khả năng hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ gặp bất lợi trong việc đánh giá viên chức hàng năm.

Thu Hương