Giáo dục

Minh bạch sẽ quản lý được dạy thêm

Vi Cầm 21/11/2023 10:51

Sáng 20/11, trả lời trước Quốc hội, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần đưa việc dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

anh-bai-duoi.jpg
Giảm áp lực học tập, sẽ giúp hạn chế việc học thêm. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt Thông tư 17 quy định về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường; những quy định về đạo đức của nhà giáo, quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo... Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường, theo Bộ trưởng, còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.

Ông Sơn cũng chia sẻ thêm: Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ đã gửi Văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng không rõ lý do tại sao trong quá trình từ năm 2020-2021 thì việc này không được chấp thuận…

Thời gian qua, câu chuyện dạy thêm và học thêm ở bậc học phổ thông luôn là mối bận tâm của phụ huynh. Học thêm vốn xuất phát từ nhu cầu của một số ít gia đình, giờ đây đang trở thành nỗi ám ảnh, gánh nặng với nhiều ông bố bà mẹ. Điều đáng nói là sau 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới, điều nhìn thấy rõ là vẫn rất khó để hạn chế được việc dạy thêm - học thêm. Cho dù ngành Giáo dục đã có những động thái để “cấm”, nhưng chế tài xử phạt vẫn còn để ngỏ, nên “quản” dạy thêm - học thêm thế nào vẫn là một câu chuyện dài.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) chỉ ra bất cập hiện nay là chi phí học thêm cao hơn rất nhiều lần so với học phí chính thức. Ông Khuyến cho rằng, lâu nay người ta chỉ nhìn ở góc độ giáo viên dạy thêm là do đồng lương thấp, đời sống khó khăn. Nhưng thực tế từ SGK lại cho thấy chương trình quá nặng, nhiều bài khó một cách không đáng có. Trừ phụ huynh có trình độ thì đa số sẽ không thể chỉ bài cho con cái, vì thế phụ huynh lại phải cho con đi học thêm.

Ngoài ra, còn một thực tế khác là tâm lý từ sự e dè, nể nang thầy cô giáo từ đại đa số phụ huynh. Nếu không cho con đi học thêm ở các lớp do giáo viên tổ chức, họ e con em mình sẽ không được quan tâm…

TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục bày tỏ, những lá đơn “tự nguyện” đã hợp thức hóa được việc dạy thêm, học thêm. Phớt lờ những quy định của Bộ, của Sở, các trường vẫn có thể dễ dàng tìm cách lách luật, quy định của cơ quan quản lý. Chủ trương cấm dạy thêm, học thêm rất rõ ràng, nhưng tình trạng mạnh ai nấy làm, dạy thêm - học thêm vẫn phổ biến trên phạm vi cả nước. Điều này làm giảm niềm tin của người dân vào Bộ GDĐT và toàn ngành.

Vậy dạy thêm - học thêm có quản lý được hay không? Theo các chuyên gia giáo dục, việc này phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học, thì sẽ tránh được tình trạng học thêm kiểu tự nguyện ép buộc như đã và đang tồn tại. Minh bạch hóa hoạt động này thông qua các quy định chung là cần thiết.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu việc dạy thêm được cấp phép thì nhà quản lý sẽ điều phối được cách tổ chức hoạt động này sao cho hợp lý và giúp các giáo viên nhận thức đúng đắn về mục đích của dạy thêm. Đồng thời, giáo viên cũng sẽ bảo vệ được quyền lợi và danh dự nghề nghiệp của mình.

Không riêng gì đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến tại Hội trường ngày 20/11, mà nhiều người cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Dẫu vậy, từ chính sách đến thực tế là một quá trình, nên những quy định về mặt luật pháp phải được điều chỉnh phù hợp với thực tế cuộc sống để việc thực thi đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Vi Cầm