Xã hội

Hiểm họa rác thải thiết bị điện tử

LÊ ANH 21/11/2023 10:54

Ngoài bất cập trong quản lý rác thải sinh hoạt, gần đây tại TPHCM còn nổi cộm vấn nạn về rác thải điện tử gây ô nhiễm môi trường - một trong những loại rác thải được xếp vào nhóm độc hại, khó phân hủy.

anh-bai-tren(1).jpg
Công an TPHCM kiểm tra, lập biên bản một lò độ chế phương tiện cũ đã qua sử dụng trên địa bàn. Ảnh: CATPHCM.

Hiện nay, TPHCM đã và đang ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghệ cao, xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị điện tử. Tuy nhiên, đi cùng với việc sản xuất ngày càng nhiều các thiết bị điện tử, việc quản lý người tiêu dùng thải hồi, thay thế các thiết bị này đang là vấn đề nan giải. Đồng thời, nguồn phát thải rác thải điện tử cũng chưa có cơ chế truy xuất được, cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, là hiểm họa lớn đối với sức khỏe người dân ở đô thị. Đó là chưa kể, hiện nay việc kiểm soát rác thải công nghiệp nguy hại và rác thải y tế…cũng còn bất cập, vì việc xử lý theo công nghệ chôn lấp, tái chế như hiện nay đã không còn phù hợp.

Ở TPHCM, trong khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày, hiện nay có khoảng 1.800 tấn rác thải nhựa, tuy vậy mới chỉ có 200 tấn được thu hồi, tái chế. Rác thải nhựa là một phần trong số các linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng được thải hồi ra môi trường qua nhiều hình thức. Dù vậy, hiện nay cũng chưa có con số thống kê chính thức về lượng rác thải điện tử trong tổng lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn TPHCM. Thế nhưng, qua thực trạng được ghi nhận thực tế qua các đợt thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM đã đưa ra những cảnh báo nghiêm túc. Cụ thể, qua rà soát, thống kê chất thải điện tử thu gom từ hộ gia đình do cấp quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện, báo cáo trong 2 năm gần nhất, trong đó năm 2021 thu gom hơn 4.251kg; năm 2022 là 1.078kg. Tuy nhiên, chất thải điện tử được thu gom do các đơn vị tự nguyện thực hiện trong thời gian trước đó được ghi nhận có năm lên đến 20.393kg.

Theo ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TNMT TPHCM), hiện nay rác thải điện tử là nhóm chất thải đặc thù phát sinh chủ yếu từ hộ gia đình, các văn phòng công sở,... Về các loại rác thải điện tử, bao gồm từ máy tính, ti vi, đồ gia dụng đã qua sử dụng, có điểm chung là chứa các vi mạch, bo mạch, pin,… vốn có nhiều thành phần độc hại, cần phải được xử lý ngay từ nguồn nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ mội trường.

Cũng theo đại diện Sở TNMT TPHCM, theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg đã nêu rõ trách nhiệm các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng hóa trên thị trường khi lắp đặt điểm thu hồi, chuyển giao sản phẩm rác thải điện tử thải bỏ đến các đơn vị có chức năng tái chế, xử lý theo quy định. Thế nhưng, trên thực tế việc quản lý chất thải điện tử từ nguồn thải vẫn thiếu cơ chế hiệu quả. Các linh kiện, thiết bị điện tử vẫn được cá nhân, tổ chức giao dịch, mua bán lại do còn giá trị kinh tế. Mặt khác, Sở TNMT TPHCM cũng đánh giá, các điểm thu hồi chất thải điện tử theo quy định vẫn chưa triển khai triệt để. Do đó, việc tồn tại các hoạt động tái chế chất thải điện tử chưa đúng theo quy định vẫn diễn ra trên địa bàn thời gian qua.

Để quản lý rác thải điện tử, trong nhiều năm qua, kinh nghiệm của TPHCM kết hợp giữa phương thức tuyên truyền đưa thông tin đến người dân thành phố về tác hại của chất thải điện tử và giải pháp song song là tổ chức hướng dẫn chuyển giao cho cá nhân, tổ chức đến các điểm thu gom trên địa bàn (từ kinh phí thành phố trong Chương trình giảm ô nhiễm). Đồng thời, các đơn vị tự nguyện tham gia lắp đặt nhiều điểm thu gom chất thải điện tử tại một số quận, huyện; chính quyền cơ sở thiết lập gian hàng thu nhận chất thải điện tử trong các Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh...

Mặc dù vậy, có thể nói việc kiểm soát tại nguồn đối với rác thải điện tử vẫn là câu chuyện nan giải đang đặt ra. Đó là chưa kể, khi thu gom được rồi thì quy trình tái chế đối với rác thải phải thực hiện theo quy trình nào để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường cũng vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

LÊ ANH