Đề xuất lắp thiết bị giám sát hành trình vào xe máy: Cần nghiên cứu đánh giá kỹ?
Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình này không khả thi.
Cần tính toán kỹ lưỡng
Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã bổ sung thêm quy định về điều kiện đối với xe cơ giới và xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ.
Đáng chú ý tại Điều 33 quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập hình ảnh, dữ liệu người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng giải thích xe cơ giới gồm: ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông thông minh.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến giữa tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô, gần 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành.
Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang trong quá trình xem xét, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, Nhân dân… Nhưng điều này cũng dấy lên băn khoăn nếu dự luật được thông qua thì hàng chục triệu xe máy cũng phải gắn thiết bị giám sát hành trình.
Anh Hoàng Hải trú tại Hà Đông (Hà Nội) cho hay, việc cơ quan đề xuất lắp thiết bị giám sát hành trình vào xe máy chưa phù hợp. Bởi người dân không phải ai cũng có điều kiện để lắp đặt. Nếu đưa vào áp dụng sẽ tạo thêm một phần chi phí cho người dân.
"Tôi nghĩ, việc lắp đặt thiết bị hành trình cho các hãng xe công nghệ thì sẽ phù hợp hơn để cơ quan chức năng có thể dễ dàng quản lý", anh Hải cho hay.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, việc áp dụng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là chưa phù hợp bởi nhiều người dân chưa có điều kiện phải gom góp mãi mới mua được xe máy, giờ bắt họ đóng thêm khoản chi phí nữa thì cũng rất khó khăn.
"Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng tránh xảy ra tình trạng lãng phí", anh Sơn cho hay.
Dữ liệu từ hơn 70 triệu xe máy sẽ xử lý thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ. Bởi hiện cả nước có hơn 6 triệu xe ô tô thì mới có khoảng 1 triệu xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình mà đã bộc lộ một số bất cập như: chậm thông báo xe chạy quá tốc độ, đường truyền gián đoạn…
"Do đó với hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy mà phải lắp thiết bị giám sát hành trình là cả vấn đề ”, ông Quyền khẳng định.
Ông Quyền cũng lo ngại, với dữ liệu khổng lồ từ hơn 70 triệu xe máy vận hành hàng ngày dồn về, việc xử lý sẽ được thực hiện thế nào? Chi phí cho việc lắp đặt, vận hành quản lý cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao?
“Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nếu cơ quan soạn thảo mở rộng đối tượng phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình tôi cho rằng phải có đề án nghiên cứu đánh giá tác động”, ông Quyền nói.
Trước mắt, ông Quyền kiến nghị nên rút quy định này khỏi luật. Thay vào đó nên giao cho Chính phủ xây dựng lộ trình chứ không nên “chốt cứng trong luật”.
Tương tự, theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, quy định này không khả thi.
Ông Tạo cho hay, cơ quan soạn thảo dự án Luật nên tính đến tác động của điều luật khi ban hành. Đây là đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần làm rõ việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập được sao cho hiệu quả cao nhất.
"Cơ quan chức năng nên có khảo sát, thí điểm vận hành quy trình quản lý để bảo đảm tính khả thi và không gây lãng phí, tốn kém cho chủ phương tiện", ông Tạo cho hay.