Kinh tế

Đề xuất thêm gói tín dụng nhà ở xã hội

H.Hương 22/11/2023 07:32

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng.

anh-bai-tren(3).jpg
Nhu cầu nhà ở xã hội lớn, nhưng tiến độ triển khai chậm. Ảnh: Lê Quân.

Mục tiêu đặt ra là phát triển nhà ở xã hội , nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Gói 120.000 tỷ đồng chưa phát huy tác dụng

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2021-2030, đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng gói tín dụng ưu đãi NOXH 110.000 tỷ đồng.

Ông Châu cho rằng, căn cứ của đề xuất xuất phát từ việc lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện tại là chưa thực sự ưu đãi. Trên thực tế gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Thống kê của NHNN cho biết, có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận việc giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Ngoài ra, điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm nên việc giải ngân theo thời gian. NHNN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay.

Nơi thừa vẫn thừa, nơi ế vẫn ế

Hiện nay nhu cầu về nhà ở rất lớn tuy nhiên nguồn cung hạn chế. Về NOXH, còn có hiện tượng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu. Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở có xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án nhà ở mới được phê duyệt ngày càng bị hạn chế. Trong khi đó, ước tính khoảng 1.200 dự án với giá trị khoảng 30 tỷ USD lại đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Kể từ cuối năm 2022 đến nay, mới chỉ có khoảng 500 dự án đang được tháo gỡ.

Nguồn cung nhà ở hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền, chi phí ở các khâu làm dự án đều cao... khiến giá căn hộ chung cư ở các thành phố lớn liên tục tăng và chưa có dấu hiệu ngừng lại. NOXH gần như là cơ hội duy nhất cho giấc mơ an cư của đại đa số người dân.

VARS còn đưa ra dữ liệu, tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt 41,5% và sẽ tăng lên khoảng 50% vào năm 2030. Mỗi năm, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Trong khi, theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về NOXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn.

Như vậy, ngay cả khi đề án xây dựng 1 triệu căn NOXH được thực thi tối đa, nguồn cung cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, con số hiện tại cho thấy vẫn rất xa so với mục tiêu của đề án, dù các cấp từ trung ương đến địa phương đều đang rất nỗ lực thực hiện.

Theo thông tin của VARS tại các khu vực có dự án NOXH được mở bán, nhiều dự án ghi nhận lượng quan tâm, gửi hồ sơ gần hết bảng hàng ngay khi tung ra thị trường trong khi một số địa phương có khu chế xuất, khu công nghiệp với hàng trăm nghìn lao động nhập cư ghi nhận tình trạng chậm dù chào bán nhiều lần.

Tháng 8 vừa qua, trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, dù tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng hàng chục nghìn căn nhà ở công nhân, nhưng dường như công nhân làm việc trên địa bàn tỉnh lại không mặn mà với việc mua nhà ở công nhân.

Theo đó, trong số 7 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành, hoàn thành một phần tại Bắc Ninh, cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện, nhưng số công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đăng ký mua nhà rất ít.

Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, các chủ dự án đã rao bán 1.681 căn nhà ở công nhân nhưng số lượng bán được rất ít, hiện 7 dự án vẫn còn tồn 1.324 căn nhà. Do đó, theo VARS, để đảm bảo an sinh xã hội, để không còn hiện tượng NOXH vừa thiếu vừa “ế", cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển NOXH. Đồng thời, mở rộng đối tượng được thụ hưởng các chính sách về nhà ở, đặc biệt là NOXH. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NOXH (được thuê, thuê mua, mua) cần được điều chỉnh với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…

Xuất phát từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi tư duy phát triển NOXH. Dự án NOXH cần được nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ điều kiện cho người dân sinh sống lâu dài. Nâng cao chất lượng nhưng vẫn đảm bảo giá thành hợp lý, chủ đầu tư thu được lợi nhuận, nên phát triển dự án nhà ở xã hội với quy mô phù hợp.

H.Hương