Kinh tế

Xanh hóa để phát triển làng nghề bền vững

HÀ AN 22/11/2023 10:30

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có gần 2.000 làng nghề truyền thống, thì có tới gần 80% làng nghề, các cụm công nghiệp làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, gây ô nhiễm.

anh-bai-duoi(3).jpg
Nước thải từ các cơ sở tái chế giấy xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: H.An.

Riêng tại Hà Nội, kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho thấy, có gần 79% làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng.

Đề cập đến tình trạng ô nhiễm tại làng nghề, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, các làng nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động và tổng doanh thu của các làng nghề lên tới 22-25.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển làng nghề hiện nay là ô nhiễm môi trường.

Theo TS Nguyễn Như Chinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề thu hút khoảng 11 triệu lao động trên cả nước. Các cơ sở sản xuất làng nghề rất đa dạng nhưng phần lớn với quy mô nhỏ và vừa; thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên trong quá trình sản xuất gây ra nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các làng nghề, nhưng do cách làm nặng tính tự phát, quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất bỏ qua yếu tố môi trường nên nhiều nơi phải gánh chịu ô nhiễm.

Do đó, theo ông Lại Đức Tuấn - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công thương), trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Trong đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khóa cho bài toán phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề Việt Nam.

Có thể kể tới làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội). Trước đây, mỗi ngày làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng chuyển đổi công nghệ sản xuất nung gốm từ các lò than truyền thống sang lò gas hiện đại. Hiện Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.

Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, vấn đề môi trường lâu nay vẫn luôn là vấn đề nan giải, trong làng nghề càng phức tạp và khó khăn hơn. Bởi làng nghề đa phần có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chính vì vậy việc phát triển lưu giữ giá trị làng nghề gắn với bảo vệ môi trường không dễ thực hiện. Song trong xu thế hiện nay nếu muốn sản phẩm mỹ nghệ, thủ công vươn xa thì sản xuất theo hướng xanh, sạch là giải pháp tất yếu. Để làm được điều này cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý nguồn nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả.

HÀ AN