Văn hóa

Di sản góp phần thúc đẩy du lịch

Phạm Sỹ (thực hiện) 22/11/2023 10:31

Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023), phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Văn Liêm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong việc khai thác tiềm năng to lớn của di sản để phát triển ngành du lịch.

anh-tren-ben-phai.jpg
PGS.TS Bùi Văn Liêm.

PV: Thưa ông, Việt Nam có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên, di sản tư liệu được UNESCO vinh danh. Cùng với đó là rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Đây được cho là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đặc sắc để khai thác phát triển du lịch. Ông đánh giá như nào về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Văn Liêm: Trong những đề án phát triển du lịch, bao giờ cũng kết hợp với nhiều ngành khoa học khác như khảo cổ học, dân tộc học, các di tích, danh thắng… Đó là một trong những sự hợp tác rất tốt để xây dựng các chương trình dự án lớn, thu hút đầu tư, khai thác du lịch - một công nghiệp không khói. Đó là mối quan hệ chặt chẽ, góp phần phát triển bền vững. Từ đó, tạo ra một thế liên hoàn để xây dựng ngành văn hóa - lịch sử với du lịch.

Những năm vừa qua, có tình trạng nhiều di tích, di sản bị xâm hại. Vậy theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Trước hết cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, Chính phủ. Nghị quyết Phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 là rất quan trọng để phục vụ cho những đề tài, dự án nghiên cứu diễn trình lịch sử Việt Nam… Như vậy, đầu tiên chúng ta phải bảo vệ. Sau đó tiến hành điều tra, nghiên cứu và có những phương án bảo tồn, tôn tạo phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, di sản.

Để bảo vệ thì cần phải có sự quan tâm của các cấp chính quyền và phải có chính sách rõ ràng. Không có chính sách thì không thể bảo vệ. Ngoài cơ sở khoa học thì phải có cơ sở pháp lý. Do đó cần có sự chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học, những nhà nghiên cứu và tất cả cộng đồng cư dân ở từng di tích, từng địa phương.

Thời gian qua, có những di tích bị xâm hại. Đó là thực tại khách quan khi luật pháp chưa đủ mạnh. Chúng ta đang cùng nhau sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Đó là căn cứ pháp lý lớn nhất để thực hiện.

Vậy theo ông, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa cần lưu ý những vấn đề gì?

- Luật Di sản văn hóa dựa trên cơ sở Hiến pháp. Vì vậy phải dựa vào Hiến pháp và làm chặt. Bởi Luật nào thì cũng có những thay đổi theo thời cuộc. Luật Di sản ra đời năm 2001, sửa đổi năm 2009, đến nay đã trên 10 năm vì vậy cần phải bổ sung những điểm sát với thực tế. Khi đó chúng ta có cơ sở vững mạnh để bảo vệ di sản.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Sỹ (thực hiện)