Dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Cần tính toán kỹ
Đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Quản lý dạy thêm bằng cơ sở pháp lý
Hội trường Quốc hội một lần nữa lại nóng lên khi đại biểu Quốc hộ đề cập, chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) dẫn nhiều kiến nghị liên quan việc quản lý dạy thêm, học thêm vì thời gian gần đây tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là đối với học sinh tiểu học.
Theo đại biểu, Điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã quy định các trường hợp không được dạy thêm. Tuy nhiên, việc dạy và học thêm là một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội.
Trong đó, không ít trường hợp việc dạy và học đã bị biến tướng. Bài học trên lớp thì lửng lơ, nửa chừng sẽ được tiếp nối ở các lớp học thêm. Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở những lớp học thêm.
Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng.
Bộ đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt Thông tư 17 quy định về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường.
Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường, còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, Bộ đã từng gửi nhiều văn bản trong quá trình sửa Luật Đầu tư đề nghị bổ sung việc dạy thêm học thêm vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng không rõ lý do vì sao mà từ năm 2020-2021 việc này đã không được chấp thuận.
Bộ trưởng Bộ GDĐT nhận định, dạy thêm cần phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học.
Cần tính toán các quy định chặt chẽ
Đề xuất đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kinh Sơn nhận nhiếu kiến trái chiều.
Bên cạnh luồng ý kiến không đồng tình thì nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất trên của Bộ GDĐT.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đề cập tới 2 nhóm đối tượng dạy thêm, học thêm.
Nhóm thứ nhất là học sinh có học lực trung bình, yếu kém cần bổ sung, bồi dưỡng kiến thức. Trách nhiệm dạy thêm nhóm đối tượng này thuộc về phía các nhà trường.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường trong hoạt động dạy thêm, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Mục đích của việc dạy thêm này là đúng đối tượng, đúng yêu cầu và công khai, minh bạch.
Nhóm đối tượng thứ hai xuất phát từ nhu cầu xã hội, tự phía học sinh, phụ huynh.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, hiện nay, áp lực thi cử, tâm lý chạy theo điểm số, thành tích là một trong số nguyên nhân khiến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Tuy nhiên, chuyên gia này ủng hộ việc học sinh học thêm các lớp năng khiếu, kỹ năng và cho rằng đây là quyền của mỗi người học, không nên cấm.
“Quan trọng là việc tổ chức hoạt động này như thế nào cho đúng quy định của pháp luật chứ không thể để như hiện nay, hoạt động dạy thêm ngoài trường học còn đang tù mù. Tại một số trường có tình trạng thầy cô dùng sức ép của điểm số để lập ra những lớp, nhóm lớp dạy thêm”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Trước thực tế trên, TS Nguyễn Tùng Lâm đồng tình với đề xuất của Bộ GDĐT đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý quản lý hoạt động này.
Tuy nhiên, TS Lâm nêu quan điểm: “Cần tính toán tới các quy định chặt chẽ, có bộ phận kiểm tra, kiểm soát và có các chế tài xử lý với các trường hợp vi phạm pháp luật”.