Bản quyền điện ảnh: Vẫn trăm mối tơ vò
Ngày 22/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã diễn ra Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn 2018-2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm, cùng đó nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%.
Doanh thu điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 145 triệu USD) và đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (178 triệu USD) vào năm 2019, vượt mức 16% mục tiêu đề ra là 150 triệu USD vào năm 2020 tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, năm 2020 doanh thu toàn ngành điện ảnh có sự sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 750 tỷ đồng và năm 2021 là 1,156 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành điện ảnh cũng chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019.
Về vấn đề bản quyền, ông Việt cho rằng, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Bảo hộ bản quyền điện ảnh là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Bà Sylvie Forbin - Phó Tổng Giám đốc Lĩnh vực bản quyền và sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết: Để lĩnh vực nghe nhìn trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc, trong đó việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim.
Bà Sylvie Forbin cũng cho rằng, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý; mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Hiệp ước để các tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu.
“Hy vọng điều đó sẽ mang lại động lực cho người sáng tạo, cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố hệ thống thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, thịnh vượng” - bà Sylvie Forbin nói.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Internet tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. “Với hàng triệu triệu người sử dụng Internet và hàng triệu website như hiện nay, việc kiểm soát các nội dung đăng tải trên các website để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả là điều vô cùng khó khăn” - bà Oanh nhấn mạnh và cho biết tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh đối với phim chiếu rạp, phim truyền hình vẫn xảy ra phổ biến, kể cả việc phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại nặng nề cho nhà sản xuất.
Vì thế, theo bà Oanh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng. Các chủ sở hữu quyền tác giả nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền để bảo vệ các quyền của mình; chủ động yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.
Còn theo nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng, cần có “đường dây nóng” để hỗ trợ cho các nhà làm phim trong quá trình sáng tạo.
“Các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng chưa bị xử phạt nặng, nghiêm minh. Các tổ chức, cá nhân, trang mạng vẫn tiếp tục đưa các tác phẩm chưa được phép lên mạng hay trang cá nhân, đây cũng là một vấn đề cần được chú trọng giải quyết hơn nữa để tạo ra môi trường phát triển điện ảnh lớn mạnh” - ông Dũng nói và cho biết 2 bộ phim của ông hiện nay “gõ trên mạng ra là có” khi việc xâm phạm bản quyền “xuất hiện vô tội vạ”.
Tối 21/11, tại TP Đà Lạt, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 khai mạc, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Liên hoan lần này có 147 bộ phim tham gia. Đại diện địa phương đăng cai, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng đây là hoạt động giàu ý nghĩa nhân kỷ niệm 130 năm TP Đà Lạt hình thành và phát triển; là dịp để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và danh lam thắng cảnh của tỉnh Lâm Đồng đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.