Chính trị

Giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài

H.Vũ 23/11/2023 09:59

Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

anhbaitren.jpg
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) phát biểu tại phiên họp sáng 22/11. Ảnh: Quang Vinh.

Khiếu nại tố cáo tăng mạnh

Tại phiên họp, báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023 (từ 1/8/2022 đến 31/7/2023), ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Trong năm 2023, số công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 2.040 lượt, tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội số công dân tăng 752 lượt với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn thư so với năm 2022.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận, việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người (tăng 296%) cho thấy, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Xác định rõ nguyên nhân

Theo ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước), số lượng công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị tăng 37,7%; tăng 33,3% số vụ việc và tăng 27,2% so với năm trước. Trong năm có 882 khiếu nại đúng, chiếm tỷ lệ 7,5%; có 1.139 khiếu nại có đúng, có sai, chiếm 9,7%; số vụ việc công nhận kết quả giải quyết lần đầu là 1.844, chiếm 82,6%; số vụ việc phải sửa quyết định giải quyết lần đầu là 389 vụ, chiếm 17,4%.

Bà Sang đề nghị, Chính phủ đánh giá, làm rõ về đặc điểm tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, xác định rõ nguyên nhân của việc tăng mạnh số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hoá) nêu quan điểm, các tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là do một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ.

Bà Mẫn đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính, các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan thanh tra các cấp trong công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bà Mẫn cũng đề nghị giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở. Đặc biệt là kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo.

Bày tỏ băn khoăn khi một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm và đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ ở các năm trước và được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hàng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị, Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định giao nhiệm vụ cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ nhưng bị kéo dài, chậm giải quyết để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó cũng là cơ sở để cho các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và công dân có điều kiện để tập trung giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của các đối tượng được Quốc hội giao nhiệm vụ.

ĐBQH Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) cho biết, đơn gửi đến cơ quan Quốc hội, ĐBQH không phải là người dân mong muốn nhờ đại biểu làm công tác “bưu tá” mà mong muốn Quốc hội, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đôn đốc, giám sát, theo dõi việc giải quyết đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hay chưa. Bà Chung kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nghiên cứu sửa đổi các quy định về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử.

Giải trình về việc năm 2023 số đơn thư tăng mạnh, nhất là số đơn thư tiếp nhận của các bộ, ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, qua báo cáo, việc tiếp nhận và xử lý đơn thư của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua cho thấy, theo quy định của pháp luật, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Nhưng thực tế người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thường gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền, đồng thời gửi đến cả những cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết nên số đơn tiếp nhận của các bộ, ngành tăng cao.
Về giải pháp, ông Phong cho hay, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để góp phần phân định rõ trong việc báo cáo các loại đơn theo thẩm quyền giải quyết, hạn chế sự trùng lặp trong việc xử lý đơn thư thuộc thẩm quyền giữa các bộ, ngành trung ương với địa phương.

H.Vũ