Thương hiệu cho lụa Việt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu năm 2023 khoảng 13.200ha. Tuy rằng giá trị xuất khẩu tơ lụa trung bình hàng năm mới đạt khoảng 70 triệu USD, nhưng đây vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu chiến lược nếu như thương hiệu được xây dựng vững chắc.
Trong quá khứ, lụa của người Việt Nam từng nổi tiếng khắp châu Á. Hầu như làng quê nào có sông chảy qua thì cũng là làng trồng dâu, nuôi tằm và xe tơ dệt lụa. Vài trăm năm trước, thương nhân nước ngoài khi ghé lại Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay) hoặc thương cảng Hội An (Quảng Nam) cũng đều săn tìm lụa, đũi của người Việt.
Sau này, công nghiệp dệt may mặc bùng nổ với đa dạng các loại vải vóc thì mặt hàng tơ lụa cũng lui lại phía sau. Vậy, phải chăng nghề trồng dâu nuôi tằm cũng như lụa đã hết thời? Các làng nghề dệt lụa nổi tiếng như Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam), Tân Châu (An Giang), Nha Xá (Hà Nam), Bảo Lộc (Lâm Đồng)... chỉ còn là ký ức?
Tại hội thảo “Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, số liệu cho thấy tới nay trồng dâu, nuôi tằm vẫn có ở 36 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông (chiếm gần 75% tổng diện tích trồng dâu trên cả nước). 90% sản phẩm tơ lụa xuất khẩu sang Ấn Độ.
Như vậy, cả vùng nguyên liệu cho sản xuất lụa, đũi đã thu hẹp và thị trường xuất khẩu cũng thu hẹp. Thị trường trong nước nhỏ bé.
Khôi phục thương hiệu cho lụa Việt không chỉ là hành động cảm tính muốn lưu giữ ánh hào quang quá khứ mà cần được coi là thế mạnh của Việt Nam. Thị trường dệt may ngày càng đa dạng, phong phú cả về chất liệu lẫn mẫu mã, giá cả, vấn đề là phải xác định đúng phân khúc thị trường để đột phá. Và ngành nghề truyền thống một thời vàng son này cũng cần được sự hỗ trợ của nhà nước để hồi sinh.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ngành dâu tằm tơ Việt Nam đã bị “rối” nhiều năm qua, từ đó trở ngại cả về sản xuất và thị trường trong khi lại phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài. Các giống tằm trong nước tuy đã cải thiện chất lượng tơ nhưng chỉ chiếm một thị phần nhỏ. Ngành dâu tằm tơ rơi vào cái thế chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô để xuất khẩu nguyên liệu.
Một số chuyên gia ngành dâu tằm tơ lụa còn cho rằng chúng ta đang bị tụt hậu quá xa so với Trung Quốc, cho dù vẫn giữ được chất lượng sản phẩm truyền thống. Ví dụ như áo lụa của ta chỉ thích hợp với việc giặt bằng tay, không sử dụng xà phòng. Nhưng nay, lụa Trung Quốc đã có nhiều cải tiến về công nghệ, có thể cho phép giặt bằng máy mà không bị nhăn nhúm.
Như vậy, khâu tiện dụng chưa được cải tiến. Sản xuất vẫn dừng ở mức nhỏ lẻ mà ít có sự tham gia của công nghệ.
Đã vậy, một số thương nhân lại nhập khẩu sản phẩm lụa của nước ngoài rồi dán nhãn Việt Nam, để vừa bán trong nước (chủ yếu cho khách du lịch) vừa xuất khẩu. Hành vi gian lận thương mại đó đã phá hỏng thương hiệu lụa Việt.
Nhiều người còn nhớ, vào khoảng tháng 10/2017, xã hội bất ngờ khi nhãn hàng Khaisilk sau khi bị khách hàng và cơ qua chức năng phát giác đã phải thừa nhận bán lụa ngoại nhập dưới tên của lụa Việt Nam. Hàng lụa Việt Nam trộn lẫn với hàng lụa nhập khẩu. Sự việc gây rúng động khi Khaisilk chính là một thương hiệu có tiếng nhiều năm ở trong nước và quốc tế. Chỉ vì lợi nhuận mà phá hỏng cả danh giá lụa Việt. Danh giá ấy, nói như bây giờ là thương hiệu, đã phải mất hàng trăm năm của biết bao thế hệ người Việt mới gây dựng được.
Nhìn chung, một mặt phải đầu tư thỏa đáng để khôi phục ngành nghề, cải tiến phù hợp với thời cuộc, mặt khác phải từng bước khôi phục lại thương hiệu cho lụa Việt. Nói điều này vì thực tế đã chứng minh đây chính là mặt hàng rất nổi tiếng của Việt Nam. Điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu cũng như sản xuất là rất sẵn sàng.
Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett, sinh năm 1930, được coi là nhà đầu tư thành công nhất thế giới với khối tài sản lên tới 119,8 tỷ USD (theo Forbes, tính đến tháng 11/2023), có một câu nói rất nổi tiếng: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Ý của Buffett là trong làm ăn cần có sự độc lập quyết đoán, nhưng để bền vững thì phải chung sức.
Vậy thì phải chăng đây chính là thời điểm để chung sức cùng nhau lấy lại thương hiệu cho lụa Việt Nam?