Mở rộng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
Nhiều trường đại học (ĐH) khởi động đào tạo ngành vi mạch bán dẫn nhằm giảm sự thiếu hụt nhân lực vi mạch tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết trong năm học 2023-2024, nhà trường sẽ tập trung thực hiện việc mở ngành đào tạo kỹ thuật thiết kế vi mạch.
Trường ĐH FPT thông tin sẽ thành lập khoa vi mạch bán dẫn, dự kiến bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Bên cạnh đó, trường kết hợp các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn để đào tạo, cung cấp các chứng chỉ 6 tháng đến 2 năm, các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học về vi mạch và bán dẫn.
Từ năm học 2023 - 2024 ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu mở chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano. Dự kiến đây là chương trình đào tạo đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội trang bị cho người học đầy đủ kiến thức và kỹ năng của cả quy trình sản xuất vi điện tử từ thiết kế, chế tạo, đóng gói đến kiểm chuẩn, phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano.
Mục tiêu là đảm bảo các kỹ sư vi điện tử tốt nghiệp từ ĐH Bách khoa có thể tham gia công việc thiết kế, chế tạo và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực vi điện tử và bán dẫn, góp phần vào sự phát triển và cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao này.
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến hết năm 2022, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn; 635 công bố quốc tế liên quan đến vi mạch. Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong đó tập trung chủ yếu ở TPHCM với 85% nguồn nhân lực, Hà Nội 8% và Đà Nẵng 7%…. Lý do là vì trong hơn 40 công ty, doanh nghiệp về thiết kế vi mạch ở Việt Nam, hơn 30 công ty tập trung ở TPHCM.
Không đào tạo ồ ạt
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng khoa Điện tử, phụ trách phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của ĐH Bách Khoa Hà Nội, tháng 8/2023, ĐH Bách Khoa Hà Nội có 450 sinh viên tốt nghiệp. Khảo sát cho thấy, 15% có kiến thức thiết kế vi mạch, có thể làm phần thiết kế hệ thống nhúng liên quan sử dụng vi mạch. Trong, số này, 43 người làm trong các công ty thiết kế vi mạch, với mức lương trung bình 13 -15 triệu đồng, cá biệt 20 triệu đồng với những người xuất sắc.
Tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM hiện mỗi năm có khoảng 300 sinh viên học các ngành có có liên quan đến vi mạch tốt nghiệp. Môn học thiết kế vi mạch chủ yếu được tích hợp trong các ngành trình độ ĐH gồm Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông; Kỹ thuật viễn thông; Hệ thống mạch - Phần cứng và một ngành trình độ sau ĐH là Kỹ thuật Điện tử - Kỹ thuật Viễn thông. Trường sẽ tiếp tục phát triển ngành thiết kế vi mạch (bậc ĐH) và ngành vi mạch bán dẫn (bậc sau ĐH) với mã ngành mới ngay từ năm học 2023-2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.
Theo dự báo về nguồn nhân lực của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhu cầu nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam đang tăng cao, dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới. Song ở thời điểm hiện nay, các trường đang đào tạo với số lượng nhỏ.
Thiết kế vi mạch là một ngành hẹp, đòi hỏi hàm lượng kiến thức và kỹ năng kỹ thuật ở mức chuyên sâu nên không phải sinh viên nào cũng có thể theo học. Do đó, nếu quyết tâm theo đuổi ngành nghề này, học trong trường là chưa đủ, sinh viên cần liên tục học hỏi, tự nghiên cứu, cập nhật các công nghệ mới đang thay đổi không ngừng.