Sức khỏe

Cần sớm ban hành nghị quyết cấm lưu hành thuốc lá điện tử

Đức Trân 24/11/2023 08:20

Sáng 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá.

bai-chinh(1).jpg
Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: Thanh Hà.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh); dự báo, đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70 nghìn người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Các bệnh có nguyên nhân chính sử dụng từ thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam thời gian qua.

Đáng chú ý, chi phí điều trị năm nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) tại Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP, tương đương khoảng 67 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp; giá thuốc rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh niên...

Bà Hương nêu quan điểm, Việt Nam vẫn là một trong những nước áp dụng mức thuế thuốc lá rất thấp (38,8% giá bán lẻ) trong khu vực ASEAN và các nước phát triển. Theo khuyến nghị của WHO, mức thuế đối với thuốc lá phải là 75% giá bán lẻ.

Mặt khác, hiện trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13-15 tuổi theo giới tại Việt Nam (năm 2022) là 3,5% trong độ tuổi nêu trên sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó nam giới là 4,3%, nữ giới là 2,8%. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử chung ở người trên 15 tuổi (năm 2020) tăng 18 lần so với (năm 2015) từ 0,2% lên 3,6%.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu thuốc lá thông thường hàm lượng nicotine là 1,5% - 2%; cao nhất là 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày), trong thuốc lá điện tử ngoài hàm lượng nicotine, còn có nhiều chất độc với khả năng gây nghiện cao. Đáng nói là thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.

Phân tích tổng hợp từ 6.619 nghiên cứu ở người tuổi từ 13 - 19 giai đoạn từ năm 2005 - 2019 tại châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, hút thuốc lá điện tử làm tăng sự bắt đầu hút thuốc lá thông thường ở thiếu niên; hút thuốc lá điện tử ở tuổi 14 dẫn tới tăng nguy cơ hút thuốc lá thông thường ở tuổi 17.

“Hóa chất trong thuốc lá điện tử thường xuyên thay đổi, dễ làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục, không thể giải quyết hiệu quả, dẫn tới tăng gánh nặng toàn xã hội. Đó cũng là lý do mà nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử. Điển hình, như Trung Quốc đã cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022” - BS Nguyên cho biết.

Tại hội nghị, các đại biểu đều đề xuất cần sớm ban hành nghị quyết cấm lưu hành thuốc lá điện tử.

ThS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: WHO khuyến nghị Quốc hội cần ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sửa đổi để cấm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, để ban hành được luật thì mất nhiều thời gian, WHO khuyến cáo trước mắt cần ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất và bán sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Việc này càng sớm càng tốt và giao cho cơ quan có trách nhiệm thực thi lệnh cấm. Phải có nghị quyết mới có chế tài để ngăn chặn tiếp tục gia tăng thuốc lá mới trong giới trẻ. Sau khi ban hành nghị quyết, cần bổ sung điều khoản này vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sửa đổi.

Đức Trân