Sẵn sàng tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận hành thương mại
Sau hơn hai năm vận hành tuyến đường sắt đô thị (Metro) Cát Linh - Hà Đông đơn vị đã có đầy đủ kinh nghiệm sẵn sàng tiếp nhận tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành thương mại.
Sẵn sàng tiếp nhận vận hành khi được bàn giao
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi vận hành thử cuối năm 2023, đoạn trên cao thuộc dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại dịp 30/4/2024.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, dự án Nhổn - ga Hà Nội khi chạy thương mại đoạn trên cao sẽ góp phần nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của thành phố từ 19% lên 21,5%.
Chia sẻ về sự chuẩn bị cho việc vận hành tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay, để sớm đưa tuyến Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành trong năm 2024, công ty đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ban, ngành và sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị.
"Sau thời gian vận hành tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông, chúng tôi đã đào tạo được một đội ngũ những người quản lý, những người trực tiếp vận hành tiếp cận với công nghệ mới nên việc tiếp nhận tuyến Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao cũng dễ dàng hơn.
Hiện nay, chúng tôi đã triển khai đồng thời 7 nhóm công việc, sẵn sàng tiếp nhận tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội được bàn giao để đưa vào vận hành", ông Trường khẳng định.
Cũng theo ông Trường, sau hơn hai năm vận hành tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông đơn vị đã có đầy đủ kinh nghiệm.
"Chúng tôi rất hy vọng tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động sẽ tiếp thêm điểm sáng cho giao thông công cộng", ông Trường cho hay.
Ông Trường cũng cho biết: "Sau hơn 2 năm vận hành tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông đã chứng minh được tính ưu việt của một phương thức vận tải nhanh, khối lớn được đông đảo người dân đón nhận và hưởng ứng. Nếu như giai đoạn đầu hành khách đi tàu chủ yếu là khách đi tham quan, trải nghiệm thì nay họ đã trở thành những người khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng, góp phần giảm tải giao thông trên khu vực hành lang.
Sau 2 năm vận hành, từ ngày 6/11/2021 đến 6/11/2023 tuyến vận chuyển được 18,3 triệu hành khách.
Trong những ngày làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, tuyến vận chuyển được từ 34.000 đến 36.000 hành khách; còn những ngày thứ Bảy, Chủ nhật vận chuyển được từ 22.000 đến 24.000 khách.
Theo ông Trường, hiện nay tỷ lệ khách sử dụng vé tháng bình quân trong ngày trên 70%, còn nếu chỉ tính giờ cao điểm thì lượng khách đi bằng vé tháng đạt tỷ lệ trên 80 %. Theo kết quả điều tra thống kê, có 47% là khách đi làm, 45% là đi học, còn 8 % là đi lại mục đích khác.
Đáng mừng nhất là nhiều hành khách đã từ bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang đi đường sắt đô thị.
“Xương sống” của Vận tải hành khách công cộng
UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 (thay thế quy hoạch 1259, ban hành tháng 7/2011).
Theo đó, dự thảo đề án đang được TP Hà Nội lấy ý kiến các quận huyện, các tỉnh thành lân cận, trình các cấp. Ngoài 10 tuyến Metro đã có quy hoạch, TP Hà Nội đề xuất xây dựng thêm 6 tuyến mới.
Hà Nội sẽ ưu tiên xem xét bổ sung 3 tuyến, gồm: tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai; tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm; tuyến chạy dọc theo trục phía Nam kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía Nam với sân bay thứ 2.
Sau đó, nghiên cứu xem xét bổ sung thêm 3 tuyến mới, gồm tuyến chạy dọc theo Quốc lộ 18 (kết nối sân bay Nội Bài với Bắc Ninh); tuyến dọc theo Vành đai 1; tuyến chạy dọc theo đường Vành đai 2.
Ông Trường cho hay, việc Metro ngày càng thu hút hành khách như hiện nay, cũng đang tạo áp lực rất lớn cho các cấp chính quyền, đặc biệt là hai thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo quy hoạch để sớm đưa vào vận hành tạo thành một mạng lưới. Khi đó chúng ta sẽ giải quyết được căn cơ bài toán về chống ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường của giao thông đô thị.
"Theo tôi được biết TP Hà Nội đang tập trung cao độ nguồn lực để đưa các tuyến Metro đang xây dựng sớm vào vận hành, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực để triển khai các cái tuyến tiếp theo theo quy hoạch được phê duyệt.
Ngoài ra, trong điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội tới đây sẽ bổ sung thêm một số tuyến mới. Đứng trên góc độ của đơn vị vận hành, chúng tôi cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn theo xu thế của các nước trên thế giới. Nếu chúng ta làm được điều này sẽ tạo ra một Thủ đô Hà Nội phát triển xanh, sạch, đẹp và là điểm đến hấp dẫn cho người dân trong nước và du khách quốc tế", ông Trường khẳng định.