Người không mơ tưởng trở thành nhà văn
Dạo này, nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) được nhắc tới nhiều. Không phải vì người ta mới tìm thấy tác phẩm di cảo của ông. Cũng không phải người ta tái bản những trước tác của ông. Người ta nhắc nhiều, vì ông là cha của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Mà Nguyễn Quang Dũng thì dạo này, nổi quá, nổi với bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”. Phim ấy, dư luận bàn ra tán vào, và những ai hiểu đời, hiểu người cũng đã im lặng, hoặc đi xem hoặc không đi xem. Vì biết Dũng là ai, biết nhà sản xuất phim muốn điều gì…
Bạn bè văn nghệ - những người đã từng gặp gỡ, kết thân, chuyện trò cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng dịp này nhắc đến ông, hồi nhớ những kỷ niệm về ông.
Tôi lục tủ sách, tìm và đọc lại một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Dẫu gì, ông cũng là nhà văn Nam Bộ biết kể chuyển giản dị và xúc động với các tác phẩm văn chương, trong đó phải kể đến: “Đất lửa”, “Nhật ký người ở lại”, “Chiếc lược ngà”, “Mùa gió chướng”, “Dòng sông thơ ấu”, “Con mèo của Foujita”…
Đọc lại những gì liên quan tới Nguyễn Quang Sáng, mới hay, ông khởi đầu bằng viết tiểu thuyết trong cánh rừng U Minh từ năm 1952. Nhưng tự nhận thấy “300 trang viết tay chỉ mới là tư liệu, chưa phải là văn”.
Vậy là ông chuyển qua viết truyện ngắn “để luyện tay nghề”, sau đó sẽ sửa chữa lại cuốn tiểu thuyết. Và truyện ngắn đầu tiên "Con chim vàng" ra đời, sau đó được in trên tuần báo Văn nghệ, được dịch ra tiếng Pháp (năm 1956). Được đà, Nguyễn Quang Sáng "quất" luôn một loạt truyện ngắn, sau đó đến năm 1958 được tập hợp lại in thành tập "Người quê hương".
Khi đã có những truyện ngắn trình làng, nhà văn mới quay về sửa lại tiểu thuyết đầu tay. Ông đặt tên là "Đất lửa". Theo Nguyễn Quang Sáng, quyển tiểu thuyết này mang cả tâm trạng của tôi thời bước đầu trưởng thành. Sinh thời, ông tâm sự: “Dư luận trong nghề cho rằng "Đất lửa" là tiểu thuyết thành công nhất trong số 4 tiểu thuyết của tôi: “Đất lửa”, “Nhật ký người ở lại”, “Mùa gió chướng” và “Dòng sông thơ ấu”. Tôi cũng nghĩ như vậy”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng viết các kịch bản phim điện ảnh - truyền hình nổi tiếng, nhắc tên nhiều người ngưỡng mộ: “Cánh đồng hoang”, “Mùa nước nổi”, “Cho đến bao giờ”, “Thời thơ ấu”…
Vì thế, nhiều người cứ cố hình dung, nếu còn sống, đi xem phim “Đất rừng phương Nam” do con trai làm đạo diễn, không hiểu nhà văn Nguyễn Quang Sáng sẽ nói gì…
Tôi thì nghĩ ông không nói gì. Ông sẽ im lặng thôi. Mà cũng có thể, ông sẽ mắng Dũng rằng: “Điện ảnh có đặc tính riêng của điện ảnh nhưng phải xuất phát từ văn học”.
Rồi ông sẽ tìm tới một quán rượu nào đó, ngồi nhâm nhi vài ly…
Nhớ về Nguyễn Quang Sáng, tôi nhớ tới tác phẩm của ông, và tìm lại những suy nghĩ của ông được tỏ bày qua những phát biểu, những bài báo chí phỏng vấn ông lúc sinh thời…
* Ngày nhỏ tôi học giỏi môn Toán. Sau này nhiều bạn bè cũng thấy ngạc nhiên khi tôi trở thành nhà văn.
* Thời thơ ấu của tôi rất khác bây giờ. Tiểu học tôi đi học và học rất giỏi được chuyển lên trường huyện, cách nhà 12 cây số để trọ học. Tuần nào cũng đi dọc một con sông để về nhà và trong “Dòng sông thơ ấu” có đoạn đi xe ngựa, chính là những chi tiết thật ngoài đời mà tuổi thơ đã trải qua. Sau này in sách, tôi coi đó như những dòng hồi ức được tiểu thuyết hóa. Tình yêu dành cho văn chương, cho nghệ thuật cũng được bồi đắp trong những ngày khốn khó ấy.
* Tôi nhớ ngày trước ở các rạp tại Hà Nội chiếu rất nhiều phim. Mà toàn những phim hay, hay hơn bây giờ rất nhiều. Mình vào xem và học được rất nhiều từ những nhà làm phim nước ngoài.
Đến khi làm những bộ phim lấy từ các tiểu thuyết của mình, mình làm đơn giản lắm, bởi vì mình đã nắm được hồn cốt của câu chuyện, chỉ dựng lại bằng một thứ ngôn ngữ khác thôi.
Thường khi dựng xong phần biên kịch, khi đi quay mình thường xin đi theo đoàn làm phim. Đó cũng là một cách học và tự rút cho mình những kinh nghiệm. Đi với anh em mình sẽ hiểu viết như thế nào thì anh em dễ làm, dễ quay.
* Tôi mê nhạc từ nhỏ. Với tôi, nghe nhạc cũng là một cách làm việc, một sự tư duy.
* Văn chương phải phản ánh chân thực nhất những gì của đời sống. Để rồi qua đó người ta biết yêu và thương hơn quê hương xứ sở của mình.
* Tôi mê chi tiết. Viết văn mà không có chi tiết đắt thì giống y chang xã luận còn gì. Tôi nghĩ, văn học là tổng hợp của những chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống thì chẳng ai có thể sáng tác được.
* Nếu không có chi tiết thì truyện sẽ không thành truyện, nó sẽ như một đề cương, rất đại khái. Chi tiết có thể ví như bụi vàng. Điều này làm tôi nhớ đến ông già tôi, một người thợ bạc. Từ bụi vàng chế nên những kiểu nữ trang đẹp.
Và nhà văn Nga nổi tiếng Paustovky cũng cho thấy bụi vàng làm nên những bông hồng vàng. Từ bụi vàng dựng nên tác phẩm. Một hôm, xem một trận đấu bóng rổ trên tivi, tôi nghe huấn luyện đội thắng trả lời nhà báo rằng: Chiến thắng này là tổng hợp của chi tiết! Rất xác đáng! Tôi nghĩ, văn học cũng là tổng hợp của chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống không ai có thể sáng tác được. Nó nảy ra từ trong đời sống và nhà văn phải nắm bắt chi tiết đó để làm một trong những cái vốn cho văn học.
* Bên cạnh chi tiết, yếu tố quan trọng khác là bố cục. Truyện dài, nếu biết bố cục khéo thì nó trở nên ngắn gọn. Ngược lại, bố cục kém, truyện ngắn trở nên dài lê thê, dễ chán. Đồng thời, một truyện hay phải bố cục làm sao cho hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối.
* Tôi luôn tránh dùng cụm từ đi thực tế sáng tác, bởi phải sống thật trong thực tế mới có đủ vốn liếng để viết. Vào chiến trường, bom đạn đâu biết anh là nhà văn mà chừa ra. Cũng nhờ những chuyến đi, tôi mới biết xẻ dọc Trường Sơn dù sao cũng khó chết hơn bởi đi chút, nghỉ chút. Nhưng hành quân trên đồng nước Cửu Long thì đừng hy vọng nghỉ ngơi.
Trực thăng luôn soi đèn, Dakota thả pháo sáng, đi giữa đêm vẫn phải ngụy trang. Nấu cơm không được có khói, tắm sông không để lại gợn sóng, con gà trống được đạp mái nhưng không được phép gáy… Những hạt vàng ấy, tôi tài cán cỡ nào mà hư cấu cho nổi.
* Hồi mới tập kết ra Bắc, người ta biết tới tôi vì chức vô địch giải bóng bàn chứ không phải vì tập bản thảo “Đất lửa” cất dưới đáy ba lô. Trước đó, tôi nổi tiếng về tài chơi đàn băng-giô, rồi còn tập tọng sáng tác nữa đấy…
“Đất lửa” thành hình từ giai điệu “Giọt mưa thu” tôi nghe một đồng đội huýt sáo trong lúc chờ qua lộ Cái Sắn, đồn bốt giặc đóng giăng giăng. Sau này, tôi vẫn có thói quen nghe nhạc khi ngồi vào bàn viết.
Nhận nhuận bút kịch bản được 3.000 đô la, mang mua đất thì giàu to nhưng tôi quyết định mua cây đàn piano cho Dũng (con trai nhà văn – giờ là đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng - N.Đ) học nhạc. Ông Lân “kính”, chủ nhà hàng Lotus chắc vẫn chưa quên hình ảnh tôi chạy xe gắn máy chở hai thằng con trai (đều đặn hai đêm một tuần trong vòng mấy năm trời) tới tầng hầm trong quán ông thưởng thức nhạc bán cổ điển. Sự cần mẫn nghe nhạc của ba cha con đã khiến khối vị khách ngạc nhiên đấy”.
* Một tác phẩm đứng được theo thời gian phải là một tác phẩm được viết bằng tâm huyết, lòng say mê và vốn sống của mình. Đồng thời, không thể thiếu "tay nghề". Tôi muốn nói đến trình độ nghệ thuật và kỹ thuật của nhà văn.
* Bộ phim “Cánh đồng hoang” (đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến, kịch bản: Nguyễn Quang Sáng - N.Đ.) là tác phẩm tôi ưng ý. Tôi nghĩ kịch bản phim “Cánh đồng hoang” từ năm 1966, năm đó tôi đi về chiến trường Đồng Tháp Mười và ghi nhận được một số hình ảnh về chiến tranh Đồng Tháp Mười rất độc đáo...
Mãi cho đến ngày 18 tháng 12 năm 1978 tôi mới bắt đầu viết “Cánh đồng hoang”. Vì lúc đó tôi đang ở miền Bắc, không có bối cảnh đồng nước mênh mông như Đồng Tháp Mười, nên không thể tiến hành. Hồi đó tôi được biết làm phim có cảnh một cô bơi xuồng mà người ta móc kéo xuồng vô. Giả quá! Để về miền Nam làm. Tôi không vội vàng.
* Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" là tác phẩm đầu tiên khi tôi trở về Đồng Tháp Mười. Nó được viết trên xuồng. Tôi nhớ lúc bấy giờ, công chúng miền Bắc rất khao khát tác phẩm viết về miền Nam. Có một số nhà văn đang ở miền Bắc, qua thư từ, qua những câu chuyện kể mà hư cấu viết nên tác phẩm.
Tôi cũng viết tiểu thuyết "Nhật ký người ở lại" in năm 1962. Nhưng phải thừa nhận rằng, những tác phẩm qua trung gian đó, nó không thật tươi, không thật sinh động, vẫn mang cái không khí thời đánh Pháp, chưa phải là cuộc chiến tranh đánh Mỹ. Do đó, khi lên đường về Nam, tôi nghĩ: Phải viết những cái gì nếu không đi chiến trường thì không thể tưởng tượng được!
* Tôi vẫn thường tự vấn: Mình thực sự đã trở thành nhà văn chưa?
Nghĩ về thiên chức nhà văn thì mình luôn thấy bản thân thực hiện chưa được đầy đủ. Vì có những câu chuyện, những đề tài mình muốn viết nhưng chưa viết được. Có thể mình chưa được dũng cảm, mình đã ém lại nhiều câu chuyện muốn kể.
* Thiệt lòng tôi đến với nghề viết văn rất ngẫu nhiên. Từ nhỏ đến lớn tôi không bao giờ mơ tưởng mình trở thành nhà văn!
* Nghệ thuật không có cái đỉnh cuối cùng. Có những cái đỉnh càng leo càng gần, nhưng cái đỉnh của nghệ thuật, của văn học càng leo càng thấy xa. Với tôi, văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng...