Tạo hành lang pháp lý, cơ chế để bảo vệ và khai thác
Theo ý kiến của các chuyên gia, để những di sản công nghiệp được tồn tại “chính danh”, từ đó có phương án bảo vệ thì điều cần làm trước mắt là tạo hành lang pháp lý với những quy định chặt chẽ và có cơ chế thu hút nhà đầu tư.
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia: Cơ chế khai thác là vấn đề then chốt
Nhớ lại những ngày đầu khi đi khảo sát các nhà máy cũ tại Hà Nội dưới góc nhìn Di sản vào năm 2020, chúng tôi đã nhận thấy Hà Nội có những nhà máy có giá trị di sản độc đáo. Mỗi công trình đánh dấu một giai đoạn hình thành và phát triển các ngành công nghiệp ở Việt Nam, gắn với lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
Hiện nay, ở nước ta chưa có một hành lang pháp lý rõ rệt để bảo vệ các di sản công nghiệp. Luật Di sản mới chỉ quan tâm bảo vệ các di tích. Khái niệm di sản công nghiệp chưa được khẳng định trong bất cứ văn bản pháp lý nào. Tuy nhiên, tôi tin sẽ có những thay đổi tích cực trong thời gian tới.
Để bảo vệ các nhà máy có giá trị di sản (dù chưa được gọi tên chính thức), việc có thể làm ngay là Hà Nội có thể áp dụng luật Kiến trúc, và đưa các cơ sở này vào danh mục các công trình kiến trúc có giá trị (do thành phố rà soát và phê duyệt). Luật Kiến trúc đã quy định các bước tiếp theo và cơ chế cơ bản ứng xử với các đối tượng kiến trúc này. Lập và quản lý quy hoạch cần kiên quyết ưu tiên quỹ không gian các nhà máy cũ này cho mục đích công cộng. Không gian văn hóa sáng tạo sẽ là chìa khóa tối ưu cho vấn đề chức năng sau chuyển đổi. Vì nó vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu cộng đồng, không loại trừ ai, vừa mang lại khả năng sinh lời lâu dài của không gian thông qua việc cho thuê, thu phí sử dụng không gian.
Về cơ chế khai thác, đây là vấn đề then chốt. Điều đầu tiên là cần đảm bảo quyền lợi của các cơ quan chủ quản các cơ sở công nghiệp này khi họ phải chuyển chức năng sản xuất công nghiệp ra ngoài. Nếu quỹ đất nhà máy không còn thuộc quyền quản lý của họ mà chuyển giao lại cho thành phố thì họ cần được cấp quỹ đất mới và được đền bù thỏa đáng để di chuyển chức năng sản xuất ra ngoài, duy trì và phát triển sản xuất tốt ở cơ sở mới. Nếu quỹ đất vẫn thuộc quyền quản lý của họ, nhưng đảm nhận chức năng mới, thì cần có cơ chế quản lý khai thác được đồng thuận và thể chế hóa… Ở các nước, tùy vào từng cơ sở mà có các mô hình quản lý khai thác khác nhau: công, tư và công - tư kết hợp cũng có. Vì vậy, ở Hà Nội, chúng ta cũng cần giải quyết cụ thể cho từng cơ sở, nhưng cần đảm bảo cân bằng hài hòa mọi mục tiêu đã đặt ra ban đầu.
TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi: Tạo hành lang pháp lý cho di sản công nghiệp
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 là một sự kiện cần thiết. Trước đây diễn ra một thực trạng có những nhà máy sau di dời khỏi nội đô không còn dấu vết gì. Vì vậy Lễ hội sẽ giúp chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Chúng ta vẫn hay hô hào là quý, giá trị… nhưng không có động thái tích cực dẫn đến không biết giữ như nào. Nhiều doanh nghiệp rất muốn tham gia để đầu tư và bảo tồn những di sản công nghiệp văn hóa. Bởi khi người ta đầu tư, không còn đơn giản là cuộc chơi nữa mà còn sinh lời.
Để đánh thức những di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo, cần có sự đánh giá của những nhà chuyên môn. Từ đó đưa ra những phương án bảo vệ. Sau đó sẽ trao gửi cho các nhà đầu tư với những điều kiện ràng buộc nhưng không được “buộc tay”. Khi các nhà đầu tư tham gia, quyền lợi sẽ đi liền với trách nhiệm và đi cùng với đó là việc quản lý thường xuyên. Khi đồng nhịp như vậy thì những di sản công nghiệp sẽ không bị rơi vào lãng quên.
Trong lộ trình mới, Hà Nội phải bình tĩnh hơn để tạo hành lang pháp lý cho di sản công nghiệp. Cần đưa vấn đề bảo vệ công nghiệp di sản vào Luật Thủ đô (sửa đổi), ban hành chặt chẽ và quyết liệt hơn, có cơ chế, chính sách rõ ràng hấp dẫn nhà đầu tư. Cần phải cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa. Không bỏ phí những quỹ đấy nhưng phải rõ ràng. Bởi văn hóa và lịch sẽ góp phần cho Hà Nội bền vững hơn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật để đánh thức di sản công nghiệp
Di sản công nghiệp khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta dường như vẫn chưa chú ý đầy đủ đến đối tượng này. Đặc biệt là ý nghĩa và vai trò của di sản công nghiệp trong việc không chỉ để những di sản này kể những câu chuyện về ký ức của một đô thị mà còn cả việc làm thế nào để các đô thị này tạo ra sức hấp dẫn và góp phần nhiều hơn vào sự phát triển bền vững đô thị hiện nay cũng như trong tương lai.
Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để ví dụ này có thể trở thành bài học cho các đô thị khác. Đầu tiên, chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò và đóng góp của các di sản công nghiệp đối với sức sống của đô thị hiện đại. Tăng cường nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản công nghiệp.
Cùng với đó, cần hoàn thiện một số văn bản pháp luật để hỗ trợ nhiều hơn cho việc đánh thức di sản công nghiệp này. Trước hết là sửa Luật Di sản văn hóa, sau đó là những văn bản khác liên quan đến đất đai, thuế, quản lý, sở hữu tài sản công... cần quy hoạch, khuyến khích việc sử dụng linh hoạt của các tòa nhà công nghiệp lịch sử cho mục đích hiện đại.
Tôi nghĩ, chúng ta cần tiến hành nghiên cứu toàn diện về lịch sử công nghiệp của Hà Nội. Xác định các ngành công nghiệp chính, các địa danh lịch sử và những đóng góp quan trọng. Tạo các kho tư liệu, cơ sở dữ liệu và triển lãm để trình bày sự phát triển của các ngành công nghiệp trong thành phố. Cùng với đó là tổ chức các sự kiện văn hóa và lễ hội để tôn vinh di sản công nghiệp của Hà Nội. Khuyến khích sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi lợi nhuận để tài trợ và triển khai các dự án bảo tồn di sản. Phát triển các ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc bảo tồn và quảng bá di sản công nghiệp.