Kinh tế

Bùng nổ thương mại điện tử

MINH DUY 26/11/2023 09:08

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam là điểm sáng. Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022 và luôn giữ tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

tmdt-4.jpg
Xu hướng mua hàng trực tuyến được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Quang Vinh.

Khoảng 60 triệu người mua sắm online

Lễ mua sắm giảm giá Black Friday năm nay không còn cảnh tấp nập xếp hàng dài tại các cửa hàng, trung tâm thương mại lớn. Như vậy không có nghĩa là sức mua giảm, mà ngồi ở nhà chỉ với một chiếc điện thoại hoặc máy tính cùng vài cú click chuột là những “tín đồ shopping” có thể “mua cả thế giới”. Điều đó cho thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi trong mua bán, giao dịch hàng hóa và trở thành thói quen của người tiêu dùng.

Là người ưa chuộng mua sắm trực tuyến, chị Đặng Thanh Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên lên các sàn thương mại điện tử, tải các app của siêu thị để săn hàng. “Mùa giảm giá Black Friday lần này tôi không phải chen chân trong các trung tâm thương mại để mua hàng nữa.

Chỉ cần một vài cái click chuột trên các trang bán hàng như: Shopee, Lazada, Postmar, Sendo hoặc dùng app của siêu thị là có thể tìm kiếm được những món đồ yêu thích mà không cần tốn thời gian xếp hàng”, chị Dung chia sẻ.

Để bắt kịp với nhu cầu của người tiêu dùng, các công ty bán lẻ, hệ thống các siêu thị cũng chuyển mình mạnh mẽ khi đồng loạt triển khai hình thức dịch vụ đặt hàng qua app, Zalo, website với hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi, giảm giá mỗi ngày.

Đại diện MM Mega Market cho hay, thời gian qua doanh thu kênh bán hàng online đã tăng trưởng từ 2% năm 2000 lên 10% hiện nay. Để có được kết quả này, đơn vị đã liên tục nâng cấp hệ thống quản trị bán hàng online để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm.

Ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: Có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, tập trung ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Trong đó, có tới 43% người dùng GenZ truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 lên 7 (ngành hàng) giai đoạn 2021 - 2022.

Mới đây, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Còn báo cáo về lĩnh vực thương mại điện tử vừa được Bộ Công Thương công bố, năm 2023, với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỉ đôla trong năm nay.

Đánh giá về hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm phát triển thương mại điện tử, nhiều chương trình và giải pháp đã được triển khai, tạo điều kiện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.

“Đặc biệt, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba… để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng… được xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới”, bà Huyền nhấn mạnh.

W_img_3343.jpeg
Người tiêu dùng mua sắm qua mạng trong dịp Black Friday. Ảnh: Ngọc Hà

Kiểm soát chất lượng hàng hóa

Bên cạnh những thành quả đã đạt được vẫn còn những bất cập trong hoạt động thương mại điện tử. Như thời gian qua là tình trạng hàng giả, hàng lậu được rao bán tràn lan trên các sàn, các trang mạng xã hội mà các cơ quan chưa có phương án quản lý hiệu quả.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh nhận định, trong 2 năm trở lại đây trước những thuận lợi trong mua sắm hàng hóa mà thương mại điện tử mang lại, người mua dần thay đổi thói quen, dẫn đến các cơ sở kinh doanh truyền thống phải cắt giảm sự hiện diện trên phố để dịch chuyển phương thức kinh doanh phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên sàn thương mại điện tử cũng đã và đang tạo ra những thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất một kho hàng lớn ở Gia Lai.

Quá trình theo dõi, quản lý thị trường bắt quả tang các đối tượng này livestream bán hàng trên Facebook với lượng theo dõi lên đến hàng chục ngàn người. Lượng hàng hóa chốt đơn thông qua livestream hàng ngày được phân phối khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua hình thức chuyển phát nhanh. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm với đủ các lĩnh vực từ hàng thời trang, gia dụng, tiêu dùng, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm...

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện, xử lý hàng loạt các kho hàng với quy mô lớn, kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TPHCM... Nhiều đối tượng sau đó đã bị xử phạt, khởi tố.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh kiến nghị, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới lực lượng quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.

Số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu năm đến nay, qua rà soát đã phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ hơn 13.600 sản phẩm không đáp ứng các quy định pháp luật trên các sàn thương mại điện tử.

Mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra nhưng hành lang pháp lý để xử lý vi phạm về thương mại điện tử chưa theo kịp thực tế. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung của Luật Thương mại điện tử và các nghị định liên quan phù hợp với tình hình mới.

Còn nhiều dư địa

Dù vậy, theo giới chuyên gia, mua sắm online, thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ phát triển bước đầu, còn rất nhiều dư địa nên sẽ tiếp tục bùng nổ trong các năm tới. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng nhận định, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có dư địa phát triển khi Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến hoàn thiện thể chế chính sách, đào tạo nhân lực phát triển thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt…

Mặc dù tăng trưởng khá tích cực, song thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn trong các vấn đề như: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật, thói quen dùng tiền mặt, lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm được bán trực tuyến.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), trở ngại lớn nhất của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật.

Liên quan đến chính sách cho doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, Giám đốc Trung tâm tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Lê Đức Anh cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế.

Nhìn tổng thể, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, cần tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững; thu hẹp khoảng cách số… Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.

Ông Trần Trọng Tuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sapo: Việt Nam có nhiều lợi thế
Tại Việt Nam, thương mại điện tử những năm qua phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc hơn trong thời gian tới, có thể kéo dài tới năm 2025.

Dự đoán đến năm 2027, thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, khoảng 28% và đạt mức 40 tỉ USD. Đóng góp trung bình của thương mại điện tử vào tổng bán lẻ đã tiếp tục tăng ở mức 15%, với tỉ trọng là 6%.
Hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam sở hữu những lợi thế khách quan như tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử trong khu vực; dòng vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài...

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế từ những công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử do các công ty trong nước xây dựng và phát triển; đưa sản phẩm, dịch vụ sản xuất trong nước phân phối rộng khắp và vượt ra khỏi biên giới. Sự hợp tác của các nền tảng thương mại điện tử với các doanh nghiệp vận chuyển, thanh toán, tài chính... tạo ra một hệ sinh thái toàn diện và tiện ích cho người tiêu dùng.

ThS Nguyễn Bình Minh - Giảng viên chính Bộ môn Thương mại điện tử (Trường Đại học Thương mại): Hệ thống pháp luật phải theo kịp sự phát triển
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới (như tiền kỹ thuật số, mô hình kinh doanh ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm: Các quy định về quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng. Hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử.

Chính vì vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta mới chỉ kiến tạo về mặt chính sách chứ chưa có nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính, với các doanh nghiệp chuyển đổi số tốt thì họ sẽ cần các hỗ trợ về cơ chế chính sách tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch… thông qua việc cơ quan quản lý nhà nước sàng lọc các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm vi phạm về pháp luật giao dịch trên sàn thương mại điện tử.