Kinh tế

Tham gia ‘sân chơi’ FTA: Doanh nghiệp vẫn bỏ qua nhiều cơ hội

DUY KHANG 26/11/2023 09:24

Việc tham gia và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới đang mở ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm nông sản đi các thị trường lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn thiếu thông tin thị trường dẫn đến bỏ qua nhiều lợi ích và cơ hội.

anhbaifta.jpg
Thủy sản xuất khẩu nỗ lực nâng sức cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Lợi thế cho nông sản xuất khẩu

Giới chuyên gia đánh giá, các FTA thế hệ mới đã tạo dư địa để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đánh giá những lợi ích mà các FTA mang lại, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ, các FTA đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực, khi nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 và các xung đột kinh tế- chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới.

“Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho thấy, có gần 41% DN đã từng hưởng lợi ích về ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ Hiệp định EVFTA”- bà Lan nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lan, việc tham gia nhiều FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)... tạo ra nhiều lợi thế cho các DN Việt khi xuất khẩu sản phẩm nông sản đi các thị trường lớn.

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu hàng nông sản kể từ khi EVFTA được ký kết, giới chuyên gia nhận định, thị trường này thực sự rất giàu tiềm năng để các DN xuất khẩu nông sản khai thác.

Đơn cử, gạo là mặt hàng xuất khẩu được đón nhận rất tốt tại thị trường EU và chưa gặp phải bất kỳ cảnh báo nào tại thị trường này. Theo đó, trong vòng 2 năm trở lại đây, gạo được xuất khẩu sang thị trường EU hết sức “thuận buồm xuôi gió”, không có bất kỳ lô hàng gạo nào bị cảnh báo. Từ đó, có thể thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đã đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính như EU.

Đặc biệt, tháng 8/2020 Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản 2 chiều giữa Việt Nam và các nước trong khối EU tăng lên. Trong đó, những ngành hàng lớn như: gạo, trái cây, thủy sản và một số mặt hàng thực phẩm… cũng được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã nhập một số mặt hàng có nguồn gốc từ động, thực vật từ thị trường EU.

Dù vậy, thực tế thì, vẫn còn nhiều DN Việt Nam chưa nắm rõ thông tin tại các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA, dẫn đến bỏ qua nhiều lợi ích, cơ hội từ các FTA. Không ít DN còn đang rất lúng túng khi được hỏi đến các FTA. Và điều này đang trở thành rào cản cho các DN trong việc tiếp cận với các thị trường.

Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Búi Tá Hoàng Vũ chỉ rõ: Rất ít DN Việt Nam thật sự quan tâm đến các FTA, họ cho rằng đây không phải là "sân chơi" dành cho mình, nên không tìm hiểu và rất mơ hồ về FTA. “Mặc dù đã tổ chức các lớp tập huấn, thông tin về các quy định của FTA nhưng đa số chủ DN cử các chuyên viên đi nghe, còn những người có quyền quyết định trong DN lại không đến. Đây là một nguyên nhân khiến tỷ lệ các DN Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA còn thấp”- ông Vũ dẫn chứng.

Tuân thủ quy định của mỗi thị trường

Trong khi đó, việc xuất khẩu sang các thị trường không phải đều giống nhau. Do đó, việc không nắm bắt rõ thông tin về các FTA sẽ tạo ra nhiều thiệt thòi cho các DN xuất khẩu.

Việc xuất khẩu sang thị trường nào thì phải tuân thủ quy định của thị trường đó, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu thông tin về thị trường, còn tư tưởng chấp nhận rủi ro trong xuất khẩu nông sản... Hiện nay, đối với thị trường EU, Việt Nam đã có những cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Đối với thị trường EU trong 10 tháng đầu năm 2023, các thành viên EU có đến 103 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu sang thị trường EU.

“Chính vì vậy, trong xuất khẩu nông sản không thể “đèn nhà ai nhà nấy rạng” - ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) nhấn mạnh đồng thời nêu quan điểm, các DN Việt muốn vươn ra thị trường lớn cần phải liên kết, hợp tác cùng nhau bởi chỉ như vậy chúng ta mới đủ năng lực cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ.

Những tập đoàn lớn của các nước khác họ không những mạnh về tiềm lực kinh tế mà còn cả về công nghệ trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 80%, nếu hoạt động riêng lẻ thì DN của ta có thể thua ngay trên sân nhà chứ đừng nói vươn ra thị trường bên ngoài.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Có thể dễ dàng nhận thấy được điều này khi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã có nhiều thông báo liên quan đến các quy tắc đối với các cơ sở nuôi trồng và vận chuyển động vật thủy sản hay tăng thêm quy định về yêu cầu sức khỏe động vật đối với các hoạt động di chuyển đối với động vật trên cạn và trứng ấp; quy tắc giám sát, chương trình loại trừ và tình trạng sạch bệnh đối với một số bệnh đã được liệt kê và bệnh mới nổi.

Ngoài ra, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà DN muốn xuất khẩu phải tuân theo như tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh thiết lập (BRC), nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).

Có thể thấy, để có thể vững chân được tại thị trường quốc tế, đặc biệt là một thị trường khó tính như EU với nhiều quy định, tiêu chuẩn khắt khe, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần phải hết sức thông thạo, hiểu biết và nắm rõ thị hiếu tiêu dùng cũng như đảm bảo các vấn đề về xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, các DN cần sớm hành động để tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao dịch; điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nếu phù hợp, thực hiện các yêu cầu khác về giấy tờ, vận chuyển... để tận dụng được các lợi thế, ưu đãi từ các FTA, bên cạnh đó là giảm những rủi ro cho chính bản thân mình khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính này.

DUY KHANG