Giáo dục

Băn khoăn bỏ thi bắt buộc môn tiếng Anh

NGỌC HÀ 26/11/2023 09:41

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chính thức đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 2+2 (gồm 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn). Nếu theo phương án này thì môn thi tiếng Anh sẽ không còn là bắt buộc. Điều này được khá nhiều người ủng hộ, nhưng hệ quả về lâu dài cần được xem xét và đánh giá.

anh.jpg
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên sau khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Ủng hộ phương án 2+2

Vừa qua, tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ GDĐT chính thức đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo Bộ GDĐT, mục đích tổ chức thi theo phương án 2+2 này nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, bên cạnh 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, việc lựa chọn 2 trong số 9 môn học để thi sẽ có 36 cách thức lựa chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh. Thí sinh có thể lựa chọn tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Đón nhận thông tin này, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh cho rằng phương án 2+2 sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Là học sinh lớp 11 sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, em Phạm Mai Anh (Trường THPT Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng như nhiều bạn cùng lớp vui mừng khi đón nhận thông tin về phương án thi tốt nghiệp 2025 được đề nghị. Mai Anh cho hay, em học khá tốt các môn tự nhiên nhưng tiếng Anh với em không phải là thế mạnh, nếu được thi theo phương án trên thì em sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung ôn thi cho tổ hợp môn xét tuyển đại học.

Về phía giáo viên, nhiều thầy cô cho rằng phương án này là rất phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Thi 2 môn Toán và Ngữ Văn là 2 môn quan trọng, căn bản và thể hiện trình độ, tư duy của học sinh. Chưa kể vẫn còn hai môn tự chọn, đủ để đánh giá kiến thức của học sinh.

Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, thầy Nghiêm Xuân Lực - giáo viên Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Đổi mới giáo dục tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực, giảm áp lực. Vì vậy, với phương án 2+2 do Bộ GDĐT đề xuất số môn thi giảm, áp lực học sinh sẽ giảm, từ đó các em sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân để suy nghĩ và lựa chọn nghề nghiệp sau này”.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất, Hà Nội) Nguyễn Hữu Khương bày tỏ: “Thi 4 môn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý, tạo thuận lợi cho tất cả các bên gồm người dạy, người học và lực lượng tổ chức thi. Về cơ bản, việc giảm áp lực tại kỳ thi này sẽ nhận được phần đông ý kiến tán thành từ xã hội”.

Nhưng với phương án thi trên cũng đặt ra câu hỏi liệu học sinh có mất động lực học ngoại ngữ khi không phải thi, trong khi đất nước đang hội nhập quốc tế, trình độ ngoại ngữ là rất cần thiết.

Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà nêu quan điểm: “Không phải khi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, học sinh mới học ngoại ngữ và ngược lại, nếu không thi, học sinh sẽ lười biếng, mất gốc. Thực tế, không ít học sinh ngoại ngữ chính là tiếng Anh nhưng lại giỏi ngoại ngữ khác. Việc học môn nào đó, không hẳn là để thi mà liên quan đến định hướng nghề nghiệp và con đường học tập sau này của các em. Nếu học chỉ để đi thi thì thái độ học của học sinh sẽ mang tính chống đối, không mang tính thực chất, lâu dài”.

Liệu có tối ưu?

Thực tế, nhiều năm trở lại đây sau khi công bố phổ điểm thi tốt nghiệp, điểm tiếng Anh luôn gây chú ý theo chiều hướng đáng lo ngại hoặc ít khởi sắc. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cả nước có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm.

Những con số trên cho thấy Ngoại ngữ vẫn đang là một “điểm đen” của giáo dục. Tuy nhiên kể từ khi tiếng Anh trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc vào năm 2015, mặt bằng chung năng lực ngoại ngữ của học sinh đã được nâng lên.

Mặc dù điểm trung bình trong các kỳ thi còn thấp nhưng có thể nhìn vào đó để đánh giá và thay đổi. Nếu phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 không bắt buộc thi sẽ xuất hiện tâm lý xem nhẹ, học đối phó môn này, nhất là với những địa phương được xem là vùng trũng tiếng Anh.

Thầy Mai Sỹ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn, Thanh Hóa), bày tỏ: “Lâu nay, ngoại ngữ vẫn luôn là “điểm trũng” của học sinh Thanh Hóa, việc bỏ môn ngoại ngữ ra khỏi danh sách các môn thi bắt buộc có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng môn học này, đặc biệt là đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi”.

Một số giáo viên cấp THPT tại khu vực ngoại thành Hà Nội cho biết, nếu không bắt buộc thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ, sẽ có rất nhiều học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn lười và ngại học môn này bởi đây vốn là môn học không dễ dàng tiếp nhận hoặc ghi nhớ.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, với phương án 2+2 thì đây là điểm tích cực và rõ ràng sẽ giảm áp lực đáng kể cho học sinh và giảm chi phí khi tổ chức kỳ thi.

Phương án này có thể được nhiều phụ huynh, học sinh ủng hộ nhưng rõ ràng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngoại ngữ chính là công cụ để thế hệ trẻ phát triển bản thân. Nếu chúng ta muốn kỳ thi nhẹ nhàng với học sinh hơn thì chọn phương án 2+2, còn nếu muốn học sinh hội nhập quốc tế thì nên chọn phương án bắt buộc thi ngoại ngữ.

“Tôi đã chứng kiến nhiều học sinh, sinh viên học rất giỏi nhưng bị thiệt thòi do năng lực ngoại ngữ không tốt. Vì thế, chúng ta buộc phải chấp nhận một thời gian kết quả thi tiếng Anh không cao, nhưng nếu chúng ta không bắt buộc thi ngoại ngữ thì trên thực tế, không thi các em sẽ không học hoặc học không nghiêm túc. Mặc dù còn có những khó khăn đối với học sinh vùng sâu vùng xa trong việc tiếp cận học ngoại ngữ, nhưng việc bắt buộc học và thi ngoại ngữ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoại ngữ phải trở thành một hành trang, một công cụ của thế hệ trẻ Việt Nam”, ông Đức nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp với bao nhiêu môn không quan trọng. Điều quan trọng là đánh giá trung thực, khách quan hoạt động dạy và học, để làm tốt điều này cần chú trọng khâu kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình học phổ thông. Bộ GDĐT cũng như ngành giáo dục địa phương cần tập trung kiểm tra định kỳ chứ không nên chỉ nhìn vào kết quả một kỳ thi như hiện nay.

NGỌC HÀ