Tái cấu trúc ngành thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mặt hàng thủy sản hiện đóng góp 25% GDP của ngành nông nghiệp; kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới và đứng thứ tư về sản lượng.
Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái, rào cản kỹ thuật gia tăng từ các thị trường xuất khẩu…
Dự báo khó khăn kéo dài
Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành thủy sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024. Theo đó, trong nửa cuối năm 2023, tổng sản lượng toàn cầu có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc xuất khẩu qua Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Australia lao dốc khiến kim ngạch 10 tháng chỉ đạt 7,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm 10 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 29%; cá ngừ khoảng 693 triệu USD, giảm 22%. Mực, bạch tuộc, cua ghẹ, giáp xác và thủy sản khác giảm từ 9 - 15% so với cùng kỳ 2022.
Không chỉ gặp khó về thị trường dù là quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế từ biển, tuy nhiên biến đổi khí hậu đã tác động và thách thức lớn sự phát triển của ngành thủy sản. Hiệu quả kinh tế các chuyến đi biển ngày càng giảm, tác động tới đời sống của ngư dân. Đặc biệt ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc.
Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), phải cấu trúc lại ngành thủy sản, chuyển từ khai thác thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân; giúp người dân tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.
Phát triển theo hướng xanh, bền vững
Đại diện các hiệp hội cho rằng, mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, để nâng cao giá trị đơn hàng xuất khẩu, đầu tư vào công nghệ tăng giá trị chế biến sâu là giải pháp có thể triển khai ngay.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, phát triển ngành thủy sản bền vững là xu hướng của thế giới và nếu Việt Nam muốn đưa thủy sản vào chuỗi cung ứng thì không thể bỏ qua điều này. Theo Bộ Công thương, thách thức đối với xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính hiện này là hàng rào kỹ thuật khắt khe.
"Truy xuất nguồn gốc sẽ là yêu cầu tất yếu giúp minh bạch hóa, góp phần bảo vệ môi trườn,g hướng tới thương mại xanh. Khi chúng ta đã đáp ứng được tiêu chuẩn của một thị trường thì rất thuận lợi để xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường khác nhau" - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định.
Theo ông Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, để ngành thủy sản phát triển xanh và bền vững phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau trong đó trước hết là những chính sách trợ lực từ Nhà nước tiếp đến là sự vào cuộc của các địa phương.
Theo ông Hồi, về thị trường, vấn đề xây dựng chuỗi rất quan trọng, liên quan đến môi trường, truy xuất nguồn gốc. Chính sách, chương trình, đề án sắp tới khi điều chỉnh phải có hành động cụ thể.
Để phát triển ngành thủy sản bền vững, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, hiện nguồn lợi thủy sản đang có sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này chính là tác động của con người do đó, cần tái cấu trúc ngành thủy sản một cách mạnh mẽ, đồng thời có phương án để ngư dân có cuộc sống ổn định từ ngư nghiệp.
Về định hướng phát triển ngành thủy sản, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao gỡ được "thẻ vàng" IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên để gỡ được “thẻ vàng” của EC không chỉ có sự vào cuộc của Bộ NNPTNT mà cần sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây không chỉ là giải pháp gỡ “thẻ vàng” mà về lâu dài để bảo vệ tài nguyên đất nước. Do đó, muốn người dân chủ động chuyển đổi ngành nghề để giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết những trăn trở đó. Khi người dân tự giác, nhận thức đầy đủ được việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa, trong khi sinh kế, cuộc sống vẫn được đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới có thể thành công.