Đại học Việt ở đâu so với thế giới?
Theo bảng xếp hạng đại học (ĐH) tốt nhất thế giới năm 2024 do Times Higher Education (THE) công bố, Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách.
Trường Duy Tân và Tôn Đức Thắng rớt hạng
Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm 601-800, dẫn đầu các ĐH, trường ĐH của Việt Nam, ra khỏi nhóm 401-500 trường tốt nhất thế giới, mức hai trường đạt được trong năm ngoái. 4 trường còn lại được xếp hạng gồm ĐH Quốc gia Hà Nội (hạng 1.201-1.500), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Huế cùng ở hạng 1.501+.
Theo kết quả xếp hạng lĩnh vực cũng do THE, tổ chức của Anh chuyên xếp hạng các trường đại học trên thế giới, công bố, năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm 2 nhóm lĩnh vực được xếp hạng, nâng số lượng nhóm lĩnh vực được xếp hạng lên 8/11 nhóm. Riêng nhóm lĩnh vực giáo dục lần đầu tiên được THE đánh giá, ĐH Quốc gia Hà Nội đạt hạng 401 - 500 thế giới, là cơ sở giáo dục đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng. Ở các nhóm lĩnh vực khác, 5 đại diện còn lại của Việt Nam cũng góp mặt ở một số lĩnh vực.
Trường đại học Mở TPHCM lần đầu vào bảng xếp hạng ĐH thế giới của THE nhưng với trạng thái "reporter" (nhóm được báo cáo). Theo lý giải của THE, điều này có nghĩa đơn vị đã đạt được một số tiêu chí nhất định nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu, đang nỗ lực để được xếp hạng.
Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) ngày 8/11 công bố bảng xếp hạng ĐH châu Á năm 2024 với 857 trường. Việt Nam có 15 đại diện. Trong đó 4 trường lần đầu góp mặt gồm ĐH Nguyễn Tất Thành, Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Giao thông vận tải và Văn Lang.
Trước đó, QS World rankings công bố danh sách những trường ĐH tốt nhất năm 2024, trong đó có 5 trường ĐH tại Việt Nam bao gồm Trường ĐH Duy Tân (vị trí 514), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (721-730), ĐH Quốc gia TPHCM (951-1.000), ĐH Quốc gia Hà Nội (951-1.000) và ĐH Bách khoa Hà Nội (1.201-1.400).
Việc các ĐH, trường ĐH hàng đầu của Việt Nam liên tục xuất hiện và tăng thứ hạng, giữ vị trí tốt trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới cho thấy nỗ lực của các trường. Tuy nhiên, cùng với đó là câu hỏi làm thế nào để uy tín các trường ĐH thực sự tương xứng với chất lượng đào tạo. Thời gian qua, có nhiều lùm xùm liên quan đến việc mua bán bài báo khoa học – một yếu tố tác động đến kết quả xếp hạng của các trường ĐH. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), nếu trường lấy nguồn thu học phí đổi lấy "hư danh" bằng việc mua bán các bài báo khoa học có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường, không giúp cho ĐH phát triển bền vững.
Nâng cao uy tín
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, giáo dục ĐH đang trong trạng thái phát triển, giàu sức sống với lượng sinh viên tương đối ổn định (trên 500.000 sinh viên). Giảng viên nhích lên về số lượng, cải thiện về học hàm học vị; ranking cũng nhích lên, một số trường vào top 1.000 trường ĐH thế giới. Song tốc độ phát triển này là chậm, không có bứt phá trong sự phát triển giáo dục ĐH. Trong khi đó, Bộ trưởng nhấn mạnh muốn có chất lượng thì các trường ĐH phải phát triển bứt phá.
Về phía các trường, xếp hạng ĐH giúp nâng uy tín, vị thế của trường trong bức tranh tuyển sinh hàng năm ở Việt Nam cũng như trong hệ thống giáo dục ĐH thế giới. ĐH Quốc gia TPHCM đã lên chiến lược để từ nay đến năm 2030 có thể lọt vào top 100 ĐH tốt nhất châu Á. Cụ thể, dự thảo đề án "Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á" đang được lấy ý kiến từ các bộ ngành và sẽ trình Chính phủ trong năm nay. Để làm được điều này, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ dành nhiều nguồn lực cho đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong 3 lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số - Trí tuệ nhân tạo. Trường dự kiến phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, được kết nối với vùng và khu vực châu Á với mục tiêu xây dựng chương trình, đề án ươm tạo các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), khởi nghiệp (start-up). Trung tâm sẽ xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên.